(HNMO) - Chiều 5/12, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 của Thành phố.
Cần những giải pháp đột phá cho doanh nghiệp phát triển
Trước khi thông qua nghị quyết, các đại biểu đã thảo luận về tờ trình và báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Hoàng Mai) nhận định, báo cáo của UBND Thành phố có đề cập tới các thành tựu kinh tế rất tích cực và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của các cấp chính quyền nhằm đạt được những thành tựu nói trên. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ định hướng, chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn từng ngành nghề của Thủ đô. Các doanh nghiệp Thủ đô mong muốn “trên thông, dưới thoáng”, có thể chấm điểm các Sở, Ban, ngành để các Sở, Ban, ngành rút kinh nghiệm. Hiện nay, các doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn cần sự đột phá thì mới phát triển được, vì vậy, Thành phố cần đẩy mạnh đồng hành cùng các doanh nghiệp để tạo sự đột phá, các chính sách cần xây dựng trên cơ sở cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp.
Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Đình Đoàn, đại biểu Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) cũng cho rằng, báo cáo của UBND Thành phố đã bao quát được tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2016. Tuy nhiên, vẫn cần bổ sung các kết quả nổi bật mà Thành phố đạt được như: xây dựng các công viên cây xanh tầm cỡ quốc tế, khánh thành nhà máy xử lý nước ở Dương Liễu, khởi công xây dựng các nhà máy nước thải quan trọng, nâng cao chất lượng các bến xe buýt...
Các đại biểu góp ý về tình hình phát triển KTXH của Hà Nội năm 2016 và phương hướng năm 2017 |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, đại biểu Vũ Ngọc Anh đề xuất nghiên cứu nhiệm vụ riêng đối với lĩnh vực phát triển du lịch gồm: Chú trọng việc xây dựng các công viên, vườn hoa đẳng cấp quốc tế, phát triển các làng nghề truyền thống... Ngoài ra, cần đưa phát triển du lịch là một mục tiêu riêng biệt, thực hiện hiệu quả các biện pháp để phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường quảng bá du lịch Hà Nội tại các địa bàn trọng điểm...
Song song với đó, Thành phố cần hoạch định sự phát triển của thị trường chứng khoán, nhà ở, xây dựng mục tiêu phát triển hàng năm, đánh giá rủi ro của phát triển thị trường bất động sản, đẩy nhanh tốc độ cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở cho sinh viên ở Pháp Vân – Tứ Hiệp...
Đại biểu Nguyễn Minh Tuân (Tây Hồ) đánh giá cao những thành tích mà Thành phố đạt được trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động. Theo đại biểu, đối với những chỉ tiêu như tăng trưởng kinh tế, huy động vốn... không hoàn thành theo kế hoạch, Thành phố cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân. Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đại biểu cho rằng tiến độ thực hiện chậm, chất lượng thực hiện cũng còn hạn chế, cần có biện pháp nâng cao chất lượng, thậm chí là chế tài đối với người đứng đầu các đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa.
Đại biểu Nguyễn Thế Vinh (Đống Đa) nhận xét, năm 2016, Thành phố đã tăng cường hỗ trợ người nghèo, nhưng đây mới chỉ là phần ngọn của vấn đề. Cử tri quan tâm tới những giải pháp của Thành phố trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng nghèo, cận nghèo...
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Văn Tứ đã giải trình thêm một số nội dung.
Về lý do xuất khẩu không đạt kế hoạch, Giám đốc Sở cho biết là do xu hướng chung xuất khẩu của Việt Nam giảm, trong đó Hà Nội và TP Hồ CHí Minh giảm sâu nhất so với các tỉnh, thành khác; xuất khẩu của khu vực nước ngoài tăng thấp; tăng trưởng ngành công nghiệp không đạt mục tiêu đề ra.
Về tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, Giám đốc Sở cho biết, trước hết là do về mặt kỹ thuật, chúng ta đặt chỉ tiêu cho năm 2016 cao hơn so với khả năng thực hiện trong thực tế, năm nay cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm nên thường đạt tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu, công nghiệp, nông nghiệp cũng không đạt kế hoạch khiến tăng trưởng cả năm chỉ đạt 8,03% (kế hoạch là 8,5%).
Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8,5-9% cho năm 2017
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 đã được thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 84,62%.
Nghị quyết đánh giá, năm 2016, năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, Thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội với khối lượng công việc rất lớn, nhiều khó khăn, thách thức và việc đột xuất nhưng với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, kinh tế-xã hội Thủ đô đã đạt được kết quả toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đặt ra từ đầu năm như: tăng trưởng đạt cao nhất trong 6 năm trở lại đây; số lượng doanh nghiệp thành lập mới và vốn đầu tư đăng ký cao nhất từ trước đến nay; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm; giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục phát triển; giá cả thị trường, lạm phát được kiểm soát...
Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh còn không ít khó khăn, số doanh nghiệp phải tạm ngừng, nghỉ hoạt động chưa giảm so với năm trước, còn 4 chỉ tiêu dự báo chưa đạt kế hoạch, việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, công nghiệp vẫn tăng trưởng nhưng có xu hướng tăng chậm dần, tính cạnh tranh thấp...
Để tiếp tục tạo đà phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô trong năm tới và những năm tiếp theo, Hà Nội xác định, trong năm 2017, khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước được đặt ở mức cao hơn năm 2016, Hà Nội lại bị giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách, Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, thực hiện tốt an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân; Đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; Làm tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị và xây dựng nông thôn mới; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
Một số chỉ tiêu chủ yếu được Thành phố đề ra cho năm 2017 như sau: Tăng trưởng GRDP đạt 8,5-9%; GRDP bình quân đầu người từ 86-88 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 11-12%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 4-5%; giảm tỷ suất sinh thô so với năm trước 0,1%; tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đài tạo đạt 59,5%; tăng thêm 80 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 82,8%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch khu vực đô thị phấn đấu đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 40%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 98% ở khu vực đô thị và 88% ở khu vực nông thôn....
Kết quả biểu quyết thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. |
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu này, HĐND Thành phố yêu cầu tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phát triển văn hóa đọc, đổi mới căn bản công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Thông qua kiến trúc, lộ trình triển khai chính quyền điện tử, xây dựng Thành phố thông minh. Nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh, y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Thứ ba, hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung và phân khu còn lại. Hoàn thành các quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ, nhà ở xã hội tập trung...; Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là các tuyến đường sắt, đường vành đai. Phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Chuẩn bị hoàn thành các thủ tục, khởi công các công trình đầu tư theo hình thức PPP: quốc lộ 21, đường 70. Hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình cấp bách chống ùn tắc giao thông: cầu nút giao thông Ô Đông Mác, nút Cổ Linh, đường Thanh Niên – An Dương, Phạm Ngọc Thạch – Chùa Bộc....
Thứ tư, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, lễ hội trên địa bàn. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.
Thứ năm, tiếp tục rà soát phân cấp các lĩnh vực còn lại, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng Chính phủ điện tử, hình thành cơ chế tương tác giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp qua Cổng Thông tin điện tử. Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Thứ sáu, tích cực thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhân dịp các ngày lễ, tết. Nâng cao chất lượng các hoạt động quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, thông tin trên hệ thống báo điện tử, mạng xã hội và công tác thông tin đối ngoại, đặc biệt thông tin tuyên truyền xử lý các vấn đề báo chí phản ánh và dư luận quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.