(HNMO) - Chiều 9-9, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về chính sách an sinh đối với lao động tự do ngoại tỉnh đang tạm trú Hà Nội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: Qua rà soát sơ bộ, hiện có khoảng 106.000 lao động tự do ngoại tỉnh cư trú không cố định.
Về các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động tự do ngoại tỉnh, bà Bạch Liên Hương khẳng định, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tiếp tục dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người lao động. Bất cứ ai thực sự khó khăn, cần đến sự trợ giúp, hãy gọi đến các số điện thoại đường dây nóng để được trợ giúp kịp thời. Hà Nội cố gắng không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở. Thành phố đã, đang dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có lực lượng lao động tự do ngoại tỉnh. Do đó, trường hợp có nhu cầu hỗ trợ về nơi ở, lương thực, thực phẩm, gọi đến số điện thoại đường dây nóng của nhiều cơ quan chức năng hoặc phản ánh đến chính quyền các địa phương để được trợ giúp. Trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, Sở sẽ tìm phương án giải quyết. Nếu vượt thẩm quyền, Sở sẽ báo cáo thành phố xin chủ trương, tương tự nhóm lao động tự do “mắc kẹt” tại huyện Chương Mỹ.
“Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ tìm hướng trợ giúp cho 49 lao động tự do ngoại tỉnh “mắc kẹt” tại địa phương này. Trong đó, phương án chúng tôi tính đến là đưa họ vào các trung tâm bảo trợ xã hội tạm thời ít ngày, cho đến khi thành phố hết giãn cách xã hội. Sở sẽ đề xuất với thành phố có chính sách hỗ trợ đặc thù cho họ”, bà Bạch Liên Hương nói.
Trên thực tế, thời gian qua, người lao động tự do ngoại tỉnh nhận được nhiều sự quan tâm từ các cơ quan chức năng và cộng đồng. Tại quận Hà Đông, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Đỗ Thị Minh Loan cho biết, từ thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội (ngày 24-7 đến nay), quận đã hỗ trợ cho khoảng 18.000 lượt lao động tạm trú. Hiện tại, các cơ quan chức năng trên địa bàn quận đã vận động thêm được 10.000 túi an sinh để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho lao động tự do ngoại tỉnh, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Tương tự, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hoài Đức Bùi Thị Hương thông tin, toàn huyện đã hỗ trợ về nơi ăn, chỗ ở, lương thực, thực phẩm cho hơn 10.000 lượt lao động tự do ngoại tỉnh...
Về việc một số lao động tự do có nhu cầu trở về quê, bà Bạch Liên Hương cho biết, đây là vấn đề lớn cần phải tính toán để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Trước mắt, các quận, huyện, thị xã phải rà soát nhu cầu về quê của lao động tạm trú làm căn cứ để các cơ quan chức năng của thành phố xây dựng phương án, đặc biệt là trong vấn đề phối hợp với các địa phương khác, báo cáo thành phố.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.