Dù bức tranh kinh tế 6 tháng qua còn nhiều mảng màu xám, đặt ra những thách thức trong việc hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2023, song theo các chuyên gia, tiềm năng cho tăng trưởng còn rất lớn. Phóng viên Báo Hànộimới đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp
Để vượt qua thách thức, tăng tốc phát triển kinh tế đất nước và mỗi địa phương, từ nay tới cuối năm, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước hết, cần tiếp tục miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, miễn giảm hoặc gia hạn, giãn đóng một số loại phí về bảo hiểm xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hướng đến mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, duy trì ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá; chủ động sử dụng các nghiệp vụ thị trường mở, hạ lãi suất điều hành và một số mức lãi suất cho vay, hỗ trợ thanh khoản, nới room tín dụng và khuyến khích các tổ chức tín dụng cải thiện mặt bằng lãi suất vay (lãi suất không quá 10%/năm). Cùng với đó, nhanh chóng giải ngân cho các doanh nghiệp đủ điều kiện để đầu tư mở rộng sản xuất, đón đầu nhu cầu thị trường dự kiến sẽ cải thiện từ quý III-2023.
Các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến, chia sẻ và quyết liệt giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp.
Mặt khác, cần khơi dậy nội lực, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin; hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc theo hướng quản trị hiện đại, nâng cao bản lĩnh và năng lực phản ứng thị trường, chủ động nắm bắt cơ hội và các phương án thích ứng với những biến động nhanh, khó lường trên thị trường hiện nay.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Trần Thanh Hải: Đột phá vào các thị trường mới
Xuất, nhập khẩu 6 tháng qua giảm trong xu hướng tổng cầu thế giới suy giảm, song vẫn có những điểm sáng, tích cực nhất là với nhóm hàng nông lâm sản.
Giai đoạn cuối năm, sức cầu thị trường kỳ vọng sẽ có những cải thiện, tuy chưa cao. Bộ Công Thương tiếp tục tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan như ASEAN. Quyết liệt đột phá vào các thị trường nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia...
Cùng với đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA, Bộ tiếp tục tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA.
Tiếp tục tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ hằng tháng giữa các cơ quan của bộ, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển xuất, nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới với các sàn thương mại điện tử lớn. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, có giải pháp chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân: Tăng lương từ ngày 1-7 có thể tạo cú huých cho nền kinh tế
Dấu hiệu giảm tốc của kinh tế nước ta 6 tháng qua cho thấy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6% như Quốc hội đề ra, cần có giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn.
Thực tế, tiềm năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn lớn, cần tập trung khai thác các động lực thúc đẩy tăng trưởng này hiệu quả. Đó là động lực đầu tư, nhất là đầu tư công, cần quyết liệt hơn, tăng nhanh tốc độ giải ngân để kích thích tổng cầu và tạo hiệu ứng lan toả mạnh.
Động lực đầu tư tư nhân cũng cần được khai thác nhờ giảm mạnh lãi suất, cùng với gói miễn giảm 2% thuế VAT.
Động lực tăng tiêu dùng nhờ tăng lương từ ngày 1-7 có khả năng tạo cú huých đáng kể cho nền kinh tế. Cùng với đó, động lực đầu tư nước ngoài vẫn đang có nhiều triển vọng tạo bước thay đổi khi chưa áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu trong năm 2023 nên nhà đầu tư tranh thủ cơ hội để tăng tốc đầu tư.
Mặc dù tổng cầu thế giới có xu hướng giảm do lạm phát nhưng một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là nông sản, có khả năng tăng giá tốt.
Các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau, chia sẻ khó khăn. Việc tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ công, minh bạch hoá môi trường kinh doanh để giảm chi phí phi chính thức cần được thực hiện. Đồng thời, cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định các loại thị trường.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp để tạo ra mô hình kinh doanh mới lấy nền tảng trực tuyến làm chỗ dựa gắn với hệ sinh thái số quốc gia cần nhanh chóng được thực hiện để không bỏ lỡ cơ hội. Khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm mô hình kinh doanh mới để huy động triệt để tiềm năng, sáng tạo giá trị mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.