(HNMO) - Trong những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước. Chỉ tính riêng ngày 9-1, số nhiễm mới trên địa bàn thành phố đã vượt mốc 2.800 ca/ngày. Tuy nhiên, so với các địa phương có số nhiễm thấp hơn, số ca Covid-19 nặng và tử vong tại Hà Nội lại rất thấp. Ngoài ra, hiện, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin của người dân Thủ đô từ 18 tuổi trở lên đã đạt 98,9%. Vậy, với tỷ lệ ca mắc và tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cao như hiện nay, Hà Nội đã thiết lập được hàng rào miễn dịch cộng đồng?
Hơn 78% F0 điều trị tại nhà, 450 ca nguy kịch
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 7 ngày qua (tính từ 3-1 đến 9-1-2022), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 18.233 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 76 ca tử vong (chiếm hơn 0,4%). Trong khi đó, theo Bộ Y tế, trung bình số ca nhiễm mới trong nước 7 ngày qua là 16.097 ca/ngày. Trung bình số ca tử vong ghi nhận ở nước ta trong 7 ngày qua là 213 ca/ngày (chiếm hơn 1,3%).
Tính đến hết ngày 9-1, toàn thành phố có 46.647 trường hợp F0 đang được điều trị, trong đó có 36.460 người điều trị tại nhà (chiếm hơn 78%); số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung điều trị Covid-19 của thành phố, của các quận, huyện và các bệnh viện của Hà Nội, trung ương. Trong đó, có gần 3.000 F0 đang điều trị tại tầng 2 và tầng 3.
Cũng theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến hết ngày 9-1, tại Hà Nội có 4.252 F0 đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 1.870 F0 nhẹ và không triệu chứng, 1.932 F0 mức độ trung bình và 450 trường hợp nặng, nguy kịch. Trong số 450 trường hợp nặng và nguy kịch này, có 397 F0 thở mask, gọng kính; 14 F0 thở HFNC; 6 trường hợp thở máy không xâm lấn; 31 trường hợp thở máy xâm lấn và 2 trường hợp lọc máu.
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 ngày qua (từ ngày 3-1 đến 9-1), số ca mắc mới Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh giảm mạnh, dao động từ 400-600 ca/ngày; ghi nhận 3.613 ca Covid-19.
Thành phố Hồ Chí Minh đang có 4.702 F0 điều trị tại bệnh viện, trong đó có 1.520 F0 nặng, nguy kịch (gồm: 929 F0 thở mask, gọng kính; 255 F0 thở HFNC; 26 F0 thở máy không xâm lấn; 258 F0 thở máy xâm lấn; 35 F0 lọc máu và 17 F0 sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo)).
So với số ca tử vong chung của cả nước, tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, tử vong của Hà Nội vẫn ở mức thấp. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, việc phân tầng điều trị đã tốt hơn, tâm lý người dân đã ổn định hơn, tuân thủ theo hướng dẫn của ngành Y tế. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 ở người trên 18 tuổi đạt 98,9%.
Thêm vào đó, tỷ lệ béo phì, bệnh nền của miền Bắc cũng thấp hơn miền Nam. Chính vì vậy, dù tỷ lệ mắc Covid-19 tại Hà Nội ở mức cao nhưng hiện hệ thống y tế trên địa bàn thành phố chưa bị quá tải.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, phân tích rõ ràng sau khi tăng độ bao phủ vắc xin, mở cửa hoạt động trở lại thì số ca nhiễm tăng lên là điều tất yếu. Dù vậy, Hà Nội vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Thời gian qua, Hà Nội đã đi đúng hướng, bài bản trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch dù cũng có thời điểm hệ thống y tế cơ sở bị quá tải do vấn đề điều tiết bệnh nhân vào các tầng điều trị.
“Khi xuất hiện nhiều F0 quá đột ngột gây ra cả sự lo lắng, thiếu bình tĩnh của người bệnh. Còn đối với y tế cơ sở, lần đầu tiên phải làm công việc mới mẻ là tư vấn điều trị cho F0, trong khi lực lượng có hạn, chưa chuẩn bị kịp, bệnh nhân liên hệ không được nên bệnh nhân đã đến thẳng bệnh viện, gây ra hiện tượng “quá tải ảo” cho hệ thống điều trị. Hiện công tác chống dịch của Hà Nội vẫn phù hợp và bài bản nhưng cần quyết liệt hơn nữa”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Một người có thể mắc Covid-19 từ 2-3 lần
Với tỷ lệ ca mắc và tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cao như hiện nay, Hà Nội đã thiết lập được hàng rào miễn dịch cộng đồng?
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, vấn đề này vẫn đang phải tính toán và nghiên cứu. Bởi vì miễn dịch của Covid-19 không bền vững. Trong khi có những loại bệnh truyền nhiễm khi mắc bệnh hoặc khi tiêm phòng rồi thì miễn dịch bền vững suốt đời. Đơn cử như bệnh sởi, nếu đã mắc bệnh và tiêm phòng rồi thì sẽ không bị nhiễm. Thế nhưng, với Covid-19, bị nhiễm rồi vẫn bị nhiễm lại.
Điều quan trọng khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 là giúp cho người nhiễm bệnh không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, không bị chuyển biến nặng và không gây quá tải hệ thống y tế. Thực tế cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân nặng ở Hà Nội không cao dù số ca nhiễm nhiều.
Thực tế, có người chủ quan nghĩ rằng đằng nào cũng mắc và mắc xong khỏi sẽ yên tâm hoàn toàn. Thậm chí, có người chủ quan nghĩ khi tiêm đủ vắc xin, việc mắc sẽ nhẹ nên không cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, khẳng định đây là những suy nghĩ sai lầm. Bởi thực tế vẫn có tỷ lệ nhất định bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 chứ không phải mắc bệnh xong là không bao giờ nhiễm lại. Đặc biệt, vi rút SARS-CoV-2 đã ghi nhận nhiều biến chủng. Do đó, một người có thể mắc 2-3 lần với các biến chủng khác nhau.
“Cá nhân nghĩ tiêm đủ vắc xin khi mắc bệnh sẽ nhẹ. Thế nhưng, hiện vẫn còn số lượng dù rất nhỏ những người già, người chống chỉ định với vắc xin và trẻ nhỏ dưới 12 tuổi chưa được tiêm. Khi chúng ta nhiễm bệnh sẽ lây cho những đối tượng này. Những đối tượng này khi mắc Covid-19 lại có nguy cơ cao bị nặng và tử vong. Do đó, người dân không nên chủ quan và vẫn cần tuân thủ nghiêm biện pháp phòng bệnh 5K”, ông Khổng Minh Tuấn nói.
Trước tình hình số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thành phố cần tiếp tục tuyên truyền để làm sao khơi dậy được tinh thần tự giác phòng, chống dịch của người dân; tránh việc người dân cho rằng, khi đã tiêm đủ liều vắc xin rồi thì mắc bệnh cũng không lây nhiễm, không trở nặng, không tử vong rồi buông trôi, thả lỏng.
Đặc biệt, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, thành phố cũng cần có giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 dựa trên cơ sở đánh giá nguy cơ. Từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp quận, huyện, thị xã cũng cần phải đánh giá nguy cơ, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch cụ thể, trong đó nêu rõ hoạt động nào được phép hoạt động, hoạt động nào phải dừng, nhất là những hoạt động liên quan đến tiếp xúc gần, trong môi trường kín, tụ tập đông người...
Đặc biệt, những hoạt động không bị cấm thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch đi kèm và phải ưu tiên cho những hoạt động thiết yếu. Chẳng hạn như với lễ hội thì làm phần lễ theo hình thức trực tuyến, cắt giảm phần hội; tăng cường biện pháp phòng, chống dịch ở bến xe, bến tàu; bảo đảm an toàn tại các khu chợ; không liên hoan tất niên; gặp mặt đầu xuân…
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.