(HNMO) - Khảo sát thực tế một số loại hình dịch vụ kinh doanh trở lại trên địa bàn Hà Nội ngày thứ 4 cho thấy, đa số các cơ sở chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch. Chính quyền các địa phương tăng cường tuần tra, nhắc nhở các cơ sở thực hiện đầy đủ quy định. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số người dân chưa tuân thủ, các lực lượng chức năng tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm.
Nhiều cơ sở chấp hành nghiêm quy định
Ghi nhận trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ngày 19-9, hàng quán vẫn chưa được mở cửa vì trong "vùng đỏ" và lượng người ra đường thưa thớt. Chỉ một số cơ sở như văn phòng phẩm Hồng Hà ở ngã tư Lý Thường Kiệt - Ngô Quyền mở cửa với việc kiểm soát dịch khá chặt chẽ.
Ông Trương Quang Luyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết, ngay từ lối vào nơi trưng bày và bán sản phẩm sách, bút, vở đã trang bị hệ thống quét mã QR tự động và camera nhận diện y tế để người dân và cán bộ công ty hằng ngày sử dụng. Bảo vệ phía ngoài cũng nhắc nhở người dân không tập trung đông người khi đến mua hàng.
Còn ở quận Long Biên, việc thực hiện bán hàng mang về và tuân thủ các quy định phòng dịch thực hiện khá nghiêm túc sau khi phát hiện nhiều ca F0. Bà Lê Thị Thịnh, tổ trưởng tổ liên gia 7, phố Phú Viên, phường Bồ Đề cho biết, tại khu vực ngõ 70 phố Phú Viên có 1 trường hợp bị cách ly y tế, cả khu phố đã được thông báo không chủ quan, lơ là, lạc quan tếu với dịch bệnh...
Tương tự, các hàng quán trên phố Ngọc Lâm tuân thủ chỉ bán mang về, công tác phòng dịch khá nghiêm túc. Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm Trần Ngọc Việt cho biết, phường vẫn duy trì nhiều tổ công tác làm việc, hằng ngày kiểm tra việc phòng, chống dịch, không để xuất hiện tâm lý chủ quan, nhất là tại các khu công cộng như vườn hoa, chợ.
Sáng 19-9, khảo sát trên địa bàn phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), có 3 loại hình kinh doanh sau khi được phép hoạt động hầu hết đã mở cửa trở lại. Chị Trịnh Thị Huyền, chủ cơ sở bún riêu bề bề, số 116 phố Trung Hòa cho biết, để bảo đảm an toàn, quán luôn giữ khoảng cách giữa người bán với nhân viên giao hàng và chỉ mở cửa đến 21h. Theo Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Hải Đăng, hiện nay trên địa bàn phường có 382 cơ sở được phép kinh doanh theo quy định giãn cách của thành phố. Để giám sát cũng như quản lý việc chấp hành quy định phòng, chống dịch, UBND phường đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Đa số đã thực hiện niêm yết mã QR tại cửa hàng và chuẩn bị các điều kiện phòng, chống dịch để hạn chế nguy cơ lây nhiễm mới. UBND phường cũng chỉ đạo các tổ Covid-19 cộng đồng cùng với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Khảo sát thực tế tại địa bàn xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), phóng viên ghi nhận một số hàng quán bán phở, xôi, bánh mì đã mở cửa trở lại, bán hàng cho khách mang về. Chị Phùng Thị Khang ở thôn Tân Phú, xã Sơn Đông, có quán bán bún, phở mới được mở cửa trở lại. Chị Khang cho biết, sau khi ký cam kết với UBND xã về việc tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch, gia đình chị trang bị tấm kính chắn, khẩu trang khi bán hàng, lập và sử dụng mã QR để khách đến mua hàng khai báo y tế. Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Duy Cường cho biết, là "vùng xanh" nên xã đã tháo dỡ các chốt từ ngày 10-9, tuy nhiên do chưa hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nên địa phương vẫn thực hiện kiểm tra địa bàn, tuyên truyền nhân dân hạn chế ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết.
Tại huyện Thanh Oai, là địa phương thuộc 19 quận, huyện cho phép nhiều hoạt động kinh doanh được mở lại song huyện vẫn xác định công tác phòng, chống dịch phải duy trì thường xuyên, không lơ là. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho biết, những ngày qua, huyện duy trì 2 đoàn công tác của huyện và yêu cầu các xã, thị trấn thành lập các đoàn, tổ công tác giám sát việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch tại các cửa hàng kinh doanh.
Ghi nhận tại thị trấn Kim Bài, hầu hết các hàng quán đã bố trí dây ngăn cách, treo biển bán mang về, yêu cầu người mua quét mã QR và bố trí nước sát khuẩn. Chủ cửa hàng trà chanh LayLa, thị trấn Kim Bài Nguyễn Thị Thu cho biết, cửa hàng thông báo chỉ bán hàng cho khách quét mã QR, bán mang về, người mua phải đeo khẩu trang và sát khuẩn khi đến cửa hàng, nếu không tuân thủ các quy định, cửa hàng không phục vụ.
Còn nhiều người dân chủ quan
Bên cạnh các địa phương thực hiện nghiêm túc quy định, vẫn còn nhiều nơi, nhiều người dân vẫn chủ quan, không tuân thủ quy định phòng dịch. Ghi nhận trên địa bàn phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), có rất nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cửa hàng ăn uống hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng chưa thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của thành phố như khai báo y tế bắt buộc, thực hiện 5K, quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng...
Cụ thể, trên tuyến phố Yên Phụ, nhiều cửa hàng ăn uống để khách chờ đông, "quên" giữ khoảng cách an toàn phòng dịch. Tại phố An Dương, nơi có chợ dân sinh Yên Phụ, người vào chợ phải có thẻ, được đo thân nhiệt, khử khuẩn tay, nhưng phía ngoài chợ tấp nập, người mua bán không được kiểm soát y tế, không thực hiện 5K.
Khi được hỏi về nguy cơ lây lan dich bệnh tiềm ẩn nếu bán hàng không giãn cách, bà Nguyễn Thị Thu, chủ một cửa hàng kinh doanh phía ngoài chợ trả lời rất vô tư, giọng chủ quan: "Được tiêm vắc xin rồi nên không sợ lây nhiễm".
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Hoàng Xuân Sáng cho biết, UBND phường đã tổ chức ký cam kết với 100 hộ kinh doanh, đồng thời tuyên truyền người dân thực hiện đầy đủ quy định phòng, chống dịch theo tình hình bình thường mới. "Một số hộ chấp hành tốt, tuy nhiên vẫn còn một số chưa thực hiện nghiêm túc. Những ngày tới, phường sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, nếu hộ nào cố tình không thực hiện hoặc tái phạm, UBND phường sẽ xử phạt nghiêm", ông Hoàng Xuân Sáng khẳng định.
Ngoài ra, trên địa bàn quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm cá biệt vẫn ghi nhận nhiều trường hợp mặc đồ tập thể dục đạp xe tại đường Thanh Niên, trên phố cổ và còn có hiện tượng dừng xe chụp ảnh.
Trên tuyến đường Hàng Bài, Đại úy Nguyễn Quang Khải, Tổ trưởng Tổ Y12/141 Công an thành phố Hà Nội cho biết, đây là trục chính của quận Hoàn Kiếm, tuy nhiên trong ngày 19-9, lượng người và phương tiện tham gia giao thông không quá đông nhưng trong quá trình làm nhiệm vụ, tổ công tác vẫn phát hiện những trường hợp vi phạm giãn cách.
Trong ngày 19-9, lực lượng chức năng huyện Thanh Trì đã xử lý vi phạm 26 trường hợp ra ngoài không cần thiết với tổng số tiền 27 triệu đồng. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, trên địa bàn huyện có các khu cách ly tập trung nên huyện vẫn tăng cường các biện pháp mạnh để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch tiến đến "xanh hóa" toàn bộ khu vực. Đồng thời, từng địa phương chủ động đề ra các biện pháp kiểm soát, giám sát phù hợp.
Tại huyện Đông Anh, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Tám, huyện duy trì các đội phản ứng nhanh để kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, huyện có 10 tổ phản ứng nhanh thực hiện điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và 3 đội phản ứng nhanh liên ngành xử lý khi có tình huống dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.
"Nguy cơ dịch trên địa bàn huyện vẫn cao bởi nhiều khu, cụm công nghiệp, có các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố, theo đó huyện xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là hàng đầu, quyết liệt triển khai. Huyện sẽ tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch".
Tại Thường Tín, địa phương vẫn ghi nhận ca F0 trong tuần qua, huyện vẫn duy trì các chốt kiểm soát dịch, xây dựng phương án phòng, chống dịch tại các công ty, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, làng nghề... Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, trên địa bàn huyện có 4 chốt kiểm soát dịch, kiểm soát người, phương tiện tại lối ra, vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.