(HNMO) - Sau nhiều năm đón đợi, Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 3-7-2015 và UBND TP Hà Nội công bố chính thức vào sáng nay (26-10).
Bộ Xây dựng bàn giao Hồ sơ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa cho UBND TP. Hà Nội |
Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn trong tương lai
Khu di tích thành Cổ Loa có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, hiện còn lưu giữ được nhiều công trình di tích gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương như: Đền thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều Di Quy, am Mỵ Châu….và nhiều hiện vật quý của người Việt Cổ. Thành Cổ Loa được các nhà khoa học đánh giá là thành cổ nhất Việt Nam với cấu trúc thành ốc, gồm 3 vòng thành (thành Nội, thành Trung, thành Ngoại), có dân cư sinh sống bên trong. Ngoài những giá trị vật thể, di tích thành Cổ Loa còn có lễ hội và nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ ẩn chứa bên trong, tạo thành một trong những điểm du lịch về nguồn hấp dẫn ở Thủ đô.
Theo Quy hoạch, Khu di tích thành Cổ Loa rộng khoảng 860,4ha, nằm trên địa bàn các xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội). Cụ thể, phân vùng lõi của Khu di tích rộng khoảng 31,2 ha, bao gồm thành Nội và khu cánh cung phía nam thành Nội, tập trung đậm đặc di tích tưởng niệm thời kỳ An Dương Vương. Phân vùng trung rộng khoảng 225,3 ha, từ thành Trung đến phân vùng lõi, tập trung phần lớn các thôn, xóm hiện hữu. Phân vùng ngoại rộng khoảng 247,3ha, từ hào thành Ngoại đến phân vùng trung, phần lớn là đất nông nghiệp và các thôn, xóm nhỏ rải rác. Phân vùng biên rộng 356,6ha, từ ranh giới quy hoạch vào đến phân vùng ngoại, đóng vai trò là vùng đệm của khu di tích.
Vùng bảo vệ di sản vật thể được xác định gồm 60 hạng mục với hai khu bảo vệ chủ yếu, trong đó khu bảo vệ I là ranh giới trực tiếp chứa di sản vật thể, trùng với ranh giới khuôn viên di tích đơn lẻ, quần thể di tích hoặc khu chứa di chỉ khảo cổ học…; khu bảo vệ II được xác định từ khu bảo vệ I trở ra. Các công trình kề cận với khu bảo vệ I và II được sẽ phải tuân theo giới hạn về khối tích và hình thức kiến trúc để làm nổi bật vẻ đẹp và ý nghĩa văn hóa của di tích.
Quy hoạch hướng tới mục tiêu đưa Khu di tích thành Cổ Loa trở thành Công viên Lịch sử- Sinh thái- Nhân văn, phù hợp với quy hoạch phân khu tại khu vực và quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội. Bởi, Khu di tích nằm trong các thảm xanh phía Bắc sông Hồng, tham gia vào hệ sinh thái tự nhiên dọc lưu vực sông ca Lồ- đầm Vân Trì- sông Hoàng Giang- sông Hồng; là khu vực hạn chế phát triển và duy trì bản sắc văn hóa nông thôn. Đây cũng là không gian quan trọng kết nối các tuyến du lịch văn hóa lớn của Thủ đô như: Tuyến cảnh quan văn hóa sông Hồng- Hồ Tây- Ba Vì; tuyến không gian bảo tồn hệ thống di tích Đền Hùng- Mê Linh- Cổ Loa- Hoàng thành Thăng Long- Sơn Tây- Thành cổ Luy Lâu…
Các công trình di tích trong Khu di tích thành Cổ Loa sẽ được tu bổ, tôn tạo |
“Chìa khóa” mở ra hướng bảo tồn, phát huy giá trị
Trong Khu di tích thành Cổ Loa hiện có hàng trăm hộ gia đình sinh sống, vì thế việc quy hoạch thiếu sự hài hòa sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Để có thể “hóa giải” mâu thuẫn này, trong quá trình lập đồ án quy hoạch, các đơn vị liên quan nhiều lần tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của các nhà khoa học, các ngành chức năng cũng như cộng đồng dân cư từ quan điểm nhận diện hệ thống giá trị di tích đến việc đề xuất ý tưởng và các giải pháp quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Nhờ đó, ngoài mốc giới phân vùng di sản được xác định rõ, Quy hoạch còn đưa ra các giải pháp cơ bản để bảo tồn và khai thác không gian lịch sử, không gian nhân văn, không gian sinh thái, phát triển du lịch…
Đối với không gian lịch sử, giải pháp bảo tồn được đưa ra là xây dựng chiến lược khảo cổ học dài hạn tại Khu di tích, hình thành hệ thống các công viên di sản để mở rộng dần không gian khảo cổ; trưng bày các di chỉ hiện có (Xuân Kiều, Mả Tre, Bãi Mèn, Gò Đống Chuông…) dưới hình thức công viên khảo cổ. Hệ thống thành, hào từng bước được phục dựng, các di tích đơn lẻ được tôn tạo, đồng thời bổ sung di tích tưởng niệm Ngô Quyền. Các tuyến cảnh quan dọc thành và hào sẽ được xây mới để xâu chuỗi toàn bộ hệ thống 60 di sản vật thể và sử dụng không gian này cho mục đích sinh hoạt văn hóa cộng đồng, quảng bá, khai thác du lịch.
Trong không gian Nhân văn, cấu trúc định cư truyền thống, hình ảnh và lối sống làng xóm ở nông thôn vẫn được giữ gìn, nhưng kiến trúc nhà ở sẽ có sự kiểm soát cho phù hợp với cảnh quan. Một số hộ dân định cư trên đất lấn chiến sẽ được đưa ra vùng tái định cư. Với giải pháp khai thông hệ thống mặt nước sông Thiếp, sông Hoàng Giang; phục dựng toàn bộ hệ thống hào, thành, đầm Cả, vườn thuyền Ao Mắm làm tuyến đường thủy tham quan di tích…, không gian sinh thái của Khi di tích Cổ Loa hứa hẹn sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách tham quan. Đáng nói hơn, việc hình thành không gian tôn nghiêm tại trục lõi Ngự Triều Di Quy; bảo tồn, tôn tạo một số di tích đã xếp hạng; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, hình thành không gian dịch vụ bán lẻ, dịch vụ du lịch trong khuôn viên Khu di tích…được giới khoa học và các nhà quản lý đánh giá là một trong những giải pháp hữu hiệu để công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích không mâu thuẫn với lợi ích và xu hướng phát triển của cộng đồng. Ngược lại, Quy hoạch là cơ sở để các ngành chức năng triển khai các dự án đầu tư; làm cơ sở thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng pháp triển, đáp ứng được nguyện vọng “làm chủ” di sản của cộng đồng dân cư nơi đây… “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa là một trong những đồ án quy hoạch đầu tiên ở nước ta được thực hiện chặt chẽ, tôn trọng mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn và phát triển nên có thể phù hợp với cả hiện tại và tương lai”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định.
Phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội, Sở Quy hoạch- Kiến trúc và các đơn vị liên quan sớm tiến hành lập quy hoạch chi tiết (1/500) khu vực thành Nội để đảm bảo ổn định cuộc sống cho cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu di tích; tập trung chỉnh trang hạ tầng, cảnh quan, bảo tồn các di tích chính, xây dựng khu trưng bày phục vụ khách tham quan và lựa chọn một khu thành, hào đặc trưng để phục dựng lại. Đối với UBND huyện Đông Anh và các xã nằm trong khu vực di tích, Phó Chủ tịch đề nghị các đơn vị này thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, giám sát việc sử dụng đất, chống lấn chiếm trong khu di tích. Sau lễ công bố, Bộ Xây dựng đã bàn giao Hồ sơ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa cho UBND TP. Hà Nội trước sự chứng kiến của đại diện các ngành chức năng và cộng đồng dân cư. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.