Cổ Loa là vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa và cách mạng, từ thế kỷ III (TCN), Vua An Dương Vương chọn nơi đây mở cơ đồ Âu Lạc. Năm 939, một lần nữa Cổ Loa trở thành Kinh đô của nước Việt dưới thời Vua Ngô Quyền. Cổ Loa mang dấu ấn quân thành, kinh thành, thị thành, là địa danh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Phát huy truyền thống lịch sử, ngày 3-9-1945, Chi bộ Đảng Cổ Loa được thành lập. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và hiện nay, Chi bộ, Đảng bộ xã Cổ Loa luôn cùng nhân dân tập trung sức người, sức của hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, dựng xây đất nước...
Vùng đất lịch sử, Anh hùng
Cổ Loa hôm nay là những tuyến đường nối thôn xóm thênh thang, hàng cây xanh rủ bóng, ao làng khoác áo mới. Mang nét hiện đại, song phảng phất trong Cổ Loa vẫn hằn dấu lịch sử đáng tự hào... Theo Bí thư Đảng uỷ xã Cổ Loa Nguyễn Thị Lương, Cổ Loa nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, phía Nam huyện Đông Anh. Vốn là mảnh đất lịch sử, gắn với Vua An Dương Vương và Vua Ngô Quyền thời dựng nước, giữ nước, tiếp nối dòng chảy, trong chiến tranh chống Pháp, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, từ giữa những năm 1936, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng phát triển rộng khắp cả nước, sớm tác động đến nhiều thôn làng của Cổ Loa. Từ đây, Cổ Loa được chọn là một trong những địa chỉ của An toàn khu Trung ương Đảng thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, là nơi đặt cơ quan in Báo “Cờ Giải phóng” của Đảng, đồng thời là địa chỉ hoạt động của nhiều đồng chí lãnh tụ, lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Tháng 2-1938, cán bộ của Đảng về Cổ Loa gây dựng cơ sở, phong trào cách mạng ở địa phương có bước phát triển mới, nhiều quần chúng ưu tú được tuyên truyền, giác ngộ, hăng hái hoạt động trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Văn Chén được giác ngộ cách mạng và là đảng viên đầu tiên của xã Cổ Loa và huyện Đông Anh.
Ngày 3/9/1945, Chi bộ Đảng Cổ Loa được thành lập. Năm 1960, Chi bộ Đảng được nâng lên thành Đảng bộ xã Cổ Loa. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhân dân Cổ Loa đứng lên giành chính quyền vào ngày 17/8/1945. Cổ Loa là xã tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi đầu tiên của huyện Đông Anh và tỉnh Phúc Yên.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chi bộ, Đảng bộ xã Cổ Loa đã lãnh đạo nhân dân tập trung sức người, sức của, động viên hàng ngàn người con quê hương hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc. Toàn xã có 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 26 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 235 liệt sỹ, 101 thương bệnh binh, 129 gia đình có công với cách mạng, góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Với những thành tích trong chiến đấu, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cổ Loa được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp”.
Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành với 33 kỳ đại hội (gồm 9 kỳ đại hội chi bộ và 24 kỳ đại hội Đảng bộ), Đảng bộ và nhân dân Cổ Loa luôn phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Cùng với sự phát triển của huyện, của Thủ đô và đất nước, kinh tế trên địa bàn xã không ngừng lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng 9,5%, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ; diện mạo quê hương ngày càng đổi mới, khang trang; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn xã với số dân 20.398 người được chia thành 15 thôn và Đảng bộ xã Cổ Loa gồm 22 chi bộ với 710 đảng viên.
Viết tiếp truyền thống trong thời kỳ mới
Năm 1962, Cổ Loa được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia. Năm 2012, Cổ Loa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, có giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và khảo cổ. Trước năm 1995, Cổ Loa được quản lý bởi chính quyền địa phương, sau đó được chuyển qua nhiều đơn vị quản lý. Ngày 15/11/2021, UBND thành phố Hà Nội ký Quyết định số 4839/QĐ-UBND về việc công nhận Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh). Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.
Bí thư Đảng uỷ xã Cổ Loa Nguyễn Thị Lương cho biết, phát triển kinh tế, xã hội ngay trong lòng di sản, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với chính quyền và nhân dân Cổ Loa; phát triển kinh tế bảo đảm đời sống người dân song hành nhiệm vụ bảo tồn di tích. Bám sát những tiêu chí đó, trong 5 năm qua, xã và các thôn tích cực chuyển đổi nhiều mô hình kinh tế, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, sản xuất năng suất cao và tuân thủ quy hoạch về bảo tồn di tích. Tổng thu nhập toàn xã năm 2024 đạt 1.725 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 85,1 triệu đồng/người/năm. Số hộ giàu ngày một tăng, xã không còn hộ nghèo, đời sống nhân dân từng bước nâng cao.
Xã tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ, phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu làng nghề Bún Mạch Tràng, bảo tồn nguồn gen cây trám đen, mít đặc sản Cổ Loa; mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn, khoai tây hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; đẩy mạnh thực hiện mô hình trồng hoa sen, hoa súng kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm...
Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Cổ Loa sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Xã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề về “5 có, 3 không và hạ tầng giao thông”; Đề án “Quy hoạch và đầu tư, xây dựng trung tâm 3 cấp giai đoạn 2023-2030”; Đề án “Đầu tư, xây dựng công viên, vườn hoa”. Đến nay, Cổ Loa đã triển khai hơn 160 dự án với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông dân sinh, giao thông nội đồng; cải tạo, nâng cấp các trường học, nhà văn hoá, khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng, bãi đỗ xe, trồng cây xanh, khu vực công viên, vườn hoa...
Ngoài ra, xã bổ sung trang thiết bị tại nhà văn hóa các thôn, dụng cụ luyện tập thể dục, thể thao đạt chuẩn phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Xã cũng nâng cấp đồng bộ hệ thống chiếu sáng, đèn trang trí đạt tiêu chuẩn đô thị với số vốn hơn 26 tỷ đồng; hoàn thành cải tạo, nâng cấp 22 ao, hồ, tạo cảnh quan môi trường; nâng cấp, cải tạo 12 điếm thờ tại các thôn; cải tạo, chỉnh trang 6 nghĩa trang nhân dân...
Bên cạnh đó, Cổ Loa còn thực hiện hiệu quả Đề án trồng, chăm sóc và quản lý cây xanh tại nhà văn hoá các thôn, trục giao thông, trường học; xây dựng thành công mô hình vườn ươm với hơn 20.000 cây trám, mít trồng tại khu vực vòng thành.
Gắn phát triển kinh tế với không gian xanh, hài hoà với không gian lịch sử, văn hóa, xã đã phát động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào tuyến đường nở hoa; cổng nhà, tường rào nở hoa. Đến nay, toàn xã có 26 đoạn đường với chiều dài hàng chục ki-lô-mét; 9 vườn hoa công cộng do các hội, đoàn thể, thôn, trường học đảm nhận chăm sóc, bảo đảm sáng, xanh, sạch, đẹp, thân thiện môi trường.
Điển hình nhất tại Cổ Loa là công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị luôn vững mạnh, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền. Đảng bộ 12 năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, đạt thành tích xuất sắc; kịp thời động viên nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.
Từ những thành tựu đáng tự hào, ngày 21/8/2024, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 818/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 8/4/2023 tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc cho nhân dân và cán bộ xã Cổ Loa. Đây là phần thưởng cao quý, ghi nhận thành tích trong 5 năm qua, tạo động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, dấy lên phong trào hành động cách mạng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng Cổ Loa ngày càng giàu đẹp, văn minh, phát triển bền vững.
Thiết thực chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng (tiền thân của Đảng bộ xã Cổ Loa), Ban Chấp hành Đảng bộ xã Cổ Loa khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thực hiện sưu tầm, biên soạn và tái bản cuốn sách “Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Cổ Loa 1930-2025”. Cuốn sách giới thiệu những nét cơ bản lịch sử và truyền thống cách mạng của vùng đất, con người Cổ Loa; quá trình ra đời, xây dựng, trưởng thành của tổ chức Đảng và phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Đảng bộ Cổ Loa; nội dung chủ yếu các thời kỳ lịch sử, mang tính chất bước ngoặt, có giá trị tư liệu về sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng.
Cùng với sự trưởng thành của Đảng bộ huyện, Đảng bộ và chính quyền xã Cổ Loa luôn kiên cường, bền bỉ phấn đấu vượt qua khó khăn, trở ngại, bám sát nhiệm vụ chính trị, đóng góp đáng kể vào thành tựu chung gần 40 năm đổi mới của huyện Đông Anh.
Trong giai đoạn hiện nay, Cổ Loa tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng địa phương ngày một giàu đẹp, văn minh, thực hiện lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới của hội nhập, phát triển...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.