Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội có một “làng thơ”

Theo VGPNEWS| 09/10/2010 17:29

Trong những ngày thu tháng 10, trong khi cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội thì làng Chùa, xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội cũng chung tay góp phần tôn vinh vẻ đẹp của Hà Nội nhưng theo một cách khác, của riêng mình. Đấy là… làm thơ.

Cụ Lê Xuân Thường thể hiện tài đối thơ.

Trong những ngày thu tháng 10, trong khi cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội thì làng Chùa, xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội cũng chung tay góp phần tôn vinh vẻ đẹp của Hà Nội nhưng theo một cách khác, của riêng mình. Đấy là… làm thơ.

Làng Chùa là một trong những làng đặc biệt của xã Sơn Công, Ứng Hòa. Đặc biệt không chỉ ở chỗ có cây đa, giếng nước, mái đình và những phong tục tập quán vẫn giữ được tới ngày nay giữa thời buổi nhiều làng quê ngoại thành Hà Nội đang bị đô thị hóa mạnh mẽ. Mà quan trọng hơn làng đã tạo cho mình một bản sắc riêng mà chỉ có làng Chùa mới có được. Đấy là phong trào “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ” của làng, khiến cho ai cũng phải ngạc nhiên khi đến mảnh đất này.

Cả làng làm… thi sĩ

Theo các cụ trong làng kể lại, Câu lạc bộ (CLB) xóm Chùa được thành lập từ lâu lắm rồi. Tiền thân của nó là hai hội văn chỉ của làng thành lập cuối thể kỉ 19, đầu thế kỉ 20, với việc tổ chức đọc thơ vào rằm tháng giêng hàng năm. Nhưng sau cách mạng tháng Tám thì cái lệ này bị mai một dần, đến cuối những năm 1980, cụ Nguyễn Xướng Đức, là một người giỏi thơ văn đã khôi phục lại làng thơ.

CLB thơ làng Chùa ra đời từ đó và phát triển mạnh mẽ tới hôm nay. Ban đầu CLB có hơn chục hội viên và hiện nay là 32 hội viên chính thức khoảng từ 60 đến 80 tuổi chưa kể hàng trăm các cộng tác viên từ em nhỏ 9, 10 tuổi đến các thanh niên 20, 30 tuổi, bất kể ai cũng có thể làm thơ, ứng thơ một cách tức thì.

Để chứng minh, cụ Lê Xuân Thường, 80 tuổi, một trụ cột của hội thơ đã tức khẩu thành thơ ngay một bài, khi nghe thấy một bà hàng xóm đang mắng đứa con nhà mình: “Dạy con không dạy bằng lời, bà dùng roi đánh tơi bời thế a, chửi con bới cả ông cha, con hư hay chính cả bà cũng hư”, rồi “tóm” ngay luôn bác trưởng thôn vừa đi kiểm tra ruộng đồng của thôn về, quần còn ống thấp ống cao tặng cho chúng tôi nghe một bài thơ.

Anh tủm tỉm cười trong giây lát đã đọc cho chúng tôi nghe về một bài thơ mà anh vừa nghĩ ra khi đi thăm đồng làng sáng sớm có ai đi đánh lươn trộm đã tháo hết nước ruộng của thôn, và thế một bài thơ hay, hóm hỉnh ra đời từ một bác trưởng thôn yêu thơ.

“Đồng đang đủ nước cấy cầy/Tham chi mớ tép đang tay anh làm/Thu lợi chẳng được là bao/Đồng khô lúa héo tính sao bây giờ”.

Theo anh Ngô Trọng Đức, Trưởng thôn Chùa cho hay, CLB thơ xóm Chùa được duy trì và phát triển chủ yếu là do đóng góp của các thành viên trong CLB, song phong trào làm thơ của làng Chùa lại phát triển mạnh, và được sự hưởng ứng của bà con làng xóm. Khi có những bài thơ hay, sẽ được khen thưởng kịp thời. Món quà chỉ là một tập thơ, có khi là quyển sổ, cái bút thế nhưng mọi người ai cũng hồ hởi tham gia nhiệt tình.

“Cứ thứ Năm hàng tuần chúng tôi lại tổ chức đọc thơ trên đài truyền thanh của xóm một lần, cứ chiều chiều mọi người đều háo hức nghe bài thơ của mình có được đọc trên đài truyền thanh xóm hay không”, cụ Thường chia sẻ.

Đề tài đa dạng, khi thì về những tấm gương điển hình về gia đình văn hóa, những cá nhân tốt thì được làm thơ khen ngợi và nhân rộng, còn những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội như đánh bạc… lại bị mọi người làm thơ để đả kích, răn dạy tránh xa. Tất cả những thứ “chướng tai gai mắt” ấy đều thành thơ và ai cũng có thể… làm thơ, miễn là đúng tiêu chí và có chất lượng sẽ được đọc trên đài truyền thanh… của xóm.

“Những ai đánh bạc đánh đề/Hãy dừng ngay lại mà nghe vài lời/Phải đâu tôi dám dạy đời/Chỉ xin nhắc lại những lời người xưa/ Giàu đâu những kẻ ngủ trưa/Có đâu những kẻ bạc đầu hư thân/Cờ bạc là bác thằng bần/Cửa nhà bán hết cho chân vào cùm”.

Có một nhà nọ, anh chồng uống rượu về cãi nhau, gây lộn với vợ con làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình và trật tự làng xóm. Hai hôm sau trên đài truyền thanh, “gương” tiêu biểu của anh đã bị lên “tin sốt dẻo” của câu lạc bộ thơ. Xấu hổ với mọi người, nhưng anh cũng đã làm một bài thơ xin hứa sửa sai với mọi người cũng trên đài truyền thanh của xóm, khiến ai cũng thầm cười và khen cái CLB thơ sao mà khéo, mà hay đến thế.

Đặc biệt nhiều đứa trẻ cũng tập tành làm thơ, trở thành một lớp “thi sĩ nhí” kế cận làm phong phú cho CLB. Điển hình như mấy đứa cháu các cụ thành viên và của anh trưởng thôn cũng theo ông bà, cha mẹ đi tham dự các đêm thơ và cũng trở thành những thành hội viên nhí tích cực của làng cũng “ê a” trên đài truyền thanh. Anh Đức chia sẻ, không đao to búa lớn, chỉ bằng những vần thơ nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng thâm thúy của các cụ trong CLB thơ mà trẻ con ngoan ngoãn, lễ phép, cha mẹ gương mẫu ngày càng nhân rộng còn các tệ nạn xã hội thì theo đấy cũng giảm hẳn, bởi vì chính các cụ trong hội thơ cũng là những tấm gương tiêu biểu cho mọi người noi theo.

Làng thơ ngày hội

Anh Ngô Mạnh Cường, một giáo viên trẻ của xã và cũng là Phó chủ nhiệm CLB thơ Làng Chùa cho biết, trước đây, làng Chùa cũng đã mấy lần đứng ra tổ chức hội thi thơ, từ quy mô cấp làng cho đến cả nước. Năm 2009 làng có tổ chức một cuộc thi thơ mang quy mô lớn trên toàn quốc, được sự hưởng ứng mạnh mẽ với gần 1 ngàn bài thơ từ khắp mọi nơi gửi về, cụ Thường và một số thành viên khác cũng được giải thưởng cao trong cuộc thi thơ này.

Hiện nay để chào đón Hà Nội ngàn năm tuổi, một hội thi thơ, diễn thơ sẽ được tổ chức đúng ngày 10/10/2010 tại làng Chùa và chọn ra bài thơ hay nhất để trao giải thưởng, ngoài ra những bài thơ hay này sẽ được tập hợp lại in thành một cuốn sách kỷ yếu của làng.

Hiện nay phong trào sáng tác thơ để hưởng ứng các hoạt động tham gia Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội được bà con tham gia rất đông, hiện tại có khoảng 500 bài đã được gửi về ban tổ chức. Chủ đề ca ngợi quê hương Hà Tây quê lụa từng ngày đổi thay, ca ngợi Thăng Long - Hà Nội hôm nay được mọi người quan tâm, sáng tác. Thông qua cuộc thi thơ sẽ bồi đắp lòng yêu quê hương đất nước của nhân dân, đặc biệt là giúp con trẻ có được những hình dung tốt nhất về lịch sử của dân tộc, về Hà Nội văn hiến, thông qua con thuyền thơ.

Trước khi tiễn chúng tôi ra về cụ Thường đã tung hứng tặng chúng tôi bài thơ về quê hương xóm Chùa trong niềm vinh dự làm một người dân thủ đô:

“Làng chùa quê lụa Hà Tây
Làm dân Hà Nội đã đầy hai năm
Người thanh lịch đất Thăng Long
Sống cho ngang vóc ngang tầm mới hay
Cùng nhau góp sức chung tay
Cấy xanh đồng lúa viết dày trang thơ
Cho đời hạnh phúc ấm no
Cho vườn xuân đẹp bốn mùa thơm hương”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội có một “làng thơ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.