(HNMO) - Thực tế 5 năm qua, Hà Nội đã chứng tỏ sức vươn, khát vọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp và thu về những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, Hà Nội khẳng định vị thế của mình một cách vững chắc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm.
Giữ vị trí trong tốp 10
Nếu năm 2016, Hà Nội xếp thứ 14trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); năm 2017 tăng lên thứ 13 thì đến năm 2018 đã lọt vào tốp 10 dẫn đầu cả nước với vị trí thứ 9 và vị trí này cũng được duy trì trong năm 2019.
Kết quả PCI năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, Hà Nội tiếp tục trụ vững ở hạng thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Trong 10 chỉ số thành phần, chi phí thời gian được đánh giá cao nhất với 7,93 điểm, tiếp đó là đào tạo lao động (7,85 điểm), gia nhập thị trường (6,74 điểm); dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (6,68 điểm).
Đây là kết quả của những nỗ lực của các cấp, ngành trong thực hiệnChỉ thị số 11/CT-UBND ngày 5-6-2020 của UBND thành phố Hà Nội về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020.Trong đó,Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai các giải pháp để cải thiện và nâng cao, như: Giữ vững tỷ lệ 100% tổng số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận thực hiện qua mạng; bảo đảm thời gian giải quyết đúng hạn và sớm trước quy định đối với cả thủ tục đăng ký mới và thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp; phấn đấu 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, 30% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt mức độ 4, 50% số thủ tục hành chính có quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích… Nhờ đó, Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” (chỉ số duy nhất giảm hạng trong năm 2019), năm 2020 đã có sự cải thiện.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, việc Hà Nội liên tục có mặt trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước thể hiện khát vọng, tinh thần cầu thị của lãnh đạo thành phố. Đây cũng là kết quả đáng lưu ý, bởi Hà Nội là địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, khối lượng công việc rất lớn.
Mặt khác, việc giữ thứ hạng và tăng điểm số của Hà Nội còn cho thấy diễn biến tích cực, sự ổn định của Thủ đô trên chặng đua cải cách, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh vì doanh nghiệp. Bởi cuộc đua PCI ngày càng mạnh mẽ, mà hầu hết các địa phương đều tăng điểm số...
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Tuệ Ngọc (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho biết, khi làm việc với cơ quan chức năng Hà Nội, hầu hết doanh nghiệp đều thấy sự thoải mái, được hỗ trợ chu đáo hơn hẳn trước đây...
Tập trung tiếp đà cải cách
Thực tế, thúc đẩy cải cách, lấy hiệu quả, mức độ thụ hưởng của doanh nghiệp làm thước đo là mục tiêu xuyên suốt của thành phố Hà Nội trong thời gian qua. Và điều đó lý giải cho việc Hà Nội liên tiếp 3 năm giữ vị trí trong tốp 10 bảng xếp hạng PCI.
Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” tổ chức thường niên được coi là “đặc sản” của Hà Nội. Tại sự kiện này, thành phố Hà Nội không chỉ trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp mà còn lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp để đổi mới, cải cách, nâng cao tinh thần phục vụ.
Hà Nội cũng duy trì các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp ra đời và phát triển. Trong đó, các cấp, ngành đã giữ vững và duy trì ổn định việc ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể là đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt 100%, kê khai và nộp thuế qua mạng đạt tỷ lệ hơn 99%, thực hiện thủ tục bảo hiểm cũng hơn 90%...
Trong bối cảnh dịch Covid-19, Hà Nội cũng tổ chức hàng loạt sự kiện kích cầu thị trường nội địa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng như các địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số thành phần hơi thấp, chưa được cải thiện, như chỉ số tính minh bạch (5,81 điểm), cạnh tranh bình đẳng (6,06 điểm). Điều này đòi hỏi thành phố Hà Nội tiếp tục phải đẩy mạnh cải cách. Trong đó, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp nâng cao kết quả Chỉ số “Tiếp cận đất đai”; cải thiện Chỉ số "Tính minh bạch", Chỉ số “Tính năng động của chính quyền tỉnh” và các chỉ tiêu đánh giá về cán bộ công chức; cải thiện “Chi phí thời gian”, nhất là Chỉ số “Chi phí không chính thức”…
Cùng với tiếp tục thực hiện các giải pháp trên, trong năm 2021, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội sẽ bắt tay triển khai chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp thành lập mới, gồm hỗ trợ kinh phí dịch vụ chứng thực chữ ký số; khởi tạo, cài đặt hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới (ước tối đa 1 triệu đồng/dịch vụ cho mỗi doanh nghiệp). Thành phố cũng sẽ tổ chức 54 khóa đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực với 4.620 học viên; 10 khóa đào tạo giám đốc điều hành doanh nghiệp cho 250 học viên và một số khóa học có nội dung chuyên đề liên quan đến kế toán, pháp luật, hộ kinh doanh gia đình...
Theo ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, việc này sẽ thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, chuyển đổi số. Hơn nữa, từ kết quả cụ thể mà doanh nghiệp thụ hưởng sẽ lan tỏa, tác động nhiều đơn vị khác chủ động triển khai chuyển đổi số, từ đó góp phần cải thiện sức mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Mục tiêu của Hà Nội trong 5 năm tới là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; kiên trì các giải pháp nâng cao PCI; từng bước hình thành, phát triển một số mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GRDP lên mức 30% vào năm 2025”, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trần Ngọc Nam cho hay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.