Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội chia sẻ 4 nhóm giải pháp trong triển khai dự án đường Vành đai 4

Tuấn Lương| 01/06/2023 15:46

(HNMO) - Ngày 1-6, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức hội nghị trực tuyến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường bộ cao tốc.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, mục tiêu được Đảng và Chính phủ đề ra là năm 2030 cả nước phấn đấu sẽ có 5.000km đường cao tốc, năm 2025, hoàn thành đường cao tốc phía Đông và trên 3.000km đường cao tốc. Tuy nhiên, từ năm 2000-2020, cả nước mới hoàn thành gần 1.200km đường cao tốc, khối lượng công việc còn lại rất lớn. Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các ban, ngành, địa phương, rất nhiều giải pháp quan trọng, hiệu quả đã được đưa ra để tổ chức triển khai các dự án đường bộ cao tốc.

Thông tin tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội kết nối với các tỉnh, thành phố Vùng Thủ đô, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây và ngược lại thông qua 7 tuyến cao tốc trọng yếu gồm: Nội Bài - Lào Cai; Đại lộ Thăng Long; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hạ Long. Các tuyến cao tốc này lại được kết nối với nhau trên cơ sở một số tuyến vành đai chính như: Vành đai 3, 4, 5…

Với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, quá trình chuẩn bị đầu tư đã đạt một số kết quả rất tích cực, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm sẵn sàng khởi công dự án. Để được kết quả trên, thành phố đã rất chủ động, quyết liệt, áp dụng 4 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất, tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập. Ưu điểm của giải pháp này là giúp cho việc giải phóng mặt bằng không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc; có thể triển khai sớm công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, đảm bảo việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chia sẻ tại hội nghị.

Thứ hai, triển khai đồng thời với công tác giải phóng mặt bằng một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương tổ chức thực hiện; rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, rà soát nhu cầu tái định cư, trên cơ sở đó tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, thực hiện giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).

Thứ ba, căn cứ theo Điều 111 của Luật Đất đai (năm 2013), Hà Nội đã ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt để thực hiện giải phóng mặt bằng, làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm.

Thứ tư, để tăng tính chủ động của địa phương, Hà Nội đã giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng trực tiếp cho các quận, huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương.

Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động như vậy, hiện tại, khối lượng giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn Hà Nội đã đạt 70%, dự kiến đạt 80% trước khi khởi công (vượt chỉ tiêu 10%). Giải phóng mặt bằng đã thực sự trở thành bệ phóng cho dự án tăng tốc ngay từ những bước đầu tiên.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, quá trình triển khai các dự án cao tốc vừa qua có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tạo ra hiệu quả cao trong việc triển khai khối lượng công việc rất nặng nề, kịp thời gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, còn có tình trạng lãnh đạo có tư tưởng đùn đẩy, né tránh. Trước tình hình đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra hiện trường, công tác giám sát.

“Khi lựa chọn nhà thầu, các địa phương hết sức lưu ý bảo đảm nhà thầu phải đủ năng lực, máy móc, thiết bị, nhân lực thi công. Kinh nghiệm từ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I cho thấy, nếu lựa chọn đúng nhà thầu có đầy đủ năng lực thì sẽ yên tâm trong quản lý, tiến độ, chất lượng công trình”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chia sẻ 4 nhóm giải pháp trong triển khai dự án đường Vành đai 4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.