(HNMO) - Chiều 5-8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến với các quận, huyện, thị xã. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và các thành viên Ban Chỉ đạo.
Hà Nội có 11 bệnh viện có khả năng xét nghiệm PCR
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tính đến 18h ngày 5-8 nước ta có 713 ca mắc Covid-19 tại 37 tỉnh, thành phố. Hiện 8 trường hợp tử vong đều là các bệnh nhân cao tuổi và có bệnh lý nền nặng.
Tại Hà Nội, vẫn ghi nhận 144 ca mắc, trong đó có 121 trường hợp từ giai đoạn trước; 2 trường hợp mới ghi nhận ngoài cộng đồng đều có tiền sử đi về từ Đà Nẵng là bệnh nhân 447 và 459; 21 trường hợp là những bệnh nhân trở về từ Guinea Xích đạo vào ngày 29-7.
Về việc điều tra trường hợp đi về từ Đà Nẵng, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đến ngày 5-8, toàn thành phố ghi nhận 95.442 người đi về từ Đà Nẵng từ ngày 8-7 đến nay. Thành phố đã tiến hành xét nghiệm PCR cho 582 trường hợp, tất cả đều cho kết quả âm tính; tổ chức xét nghiệm nhanh cho hơn 72.000 trường hợp, tất cả test dương tính đều cho kết quả âm tính khi xét nghiệm lại bằng kỹ thuật PCR.
Về trường hợp liên quan đến những người có cùng chuyến xe bệnh nhân 620 (tại Hà Nam), ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đã ghi nhận 8 trường hợp của Hà Nội có đi cùng chuyến xe.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Hiền thông tin thêm, thành phố có 996 người đang cách ly tập trung. Hà Nội đã có 11 bệnh viện khẩn trương hoàn thiện quy trình, thủ tục để triển khai xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật RT-PCR, trong đó có 8 bệnh viện công lập: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Phụ Sản, Ba Vì, Sơn Tây, Phổi Hà Nội và 3 bệnh viện ngoài công lập: Medlatec, Vinmec, Hồng Ngọc. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đang khẩn trương làm thủ tục để mua sắm sinh phẩm, vật tư phục vụ cho việc xét nghiệm. Ông Nguyễn Khắc Hiền cũng cho biết, hiện có khoảng 800 - 1.000 người Hà Nội ở Đà Nẵng đang có nhu cầu trở về; khi trở về địa phương, yêu cầu phải cách ly tập trung.
"Tình hình dịch tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, vì thế vẫn rất cần người dân tự giác cách ly, theo dõi sức khỏe để ngăn chặn mọi nguồn lây lan. Các hội nghị khi tổ chức cần tiến hành phun khử khuẩn. Các cơ sở y tế cần thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc người nhà ra vào bệnh viện", ông Nguyễn Khắc Hiền nhận định.
Tiến hành rà soát các trường hợp liên quan đến ca nghi ngờ ở Bắc Từ Liêm
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, hiện nay đã phát hiện thêm 1 ca nghi ngờ là trường hợp 42 tuổi tại Bắc Từ Liêm. Hiện, đơn vị đã rà soát lịch trình và những người liên quan đến ca nghi ngờ này. Người này có đi Đà Nẵng từ ngày 14 đến 17-7, khi về nhà vẫn đi làm bình thường.
Liên quan đến trường hợp này, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, lịch trình của trường hợp nghi ngờ đang lưu trú tại quận Bắc Từ Liêm khá phức tạp, trong đó có liên quan đến các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Hiện, quận đã cách ly và tiến hành phun khử khuẩn nơi ở của ca nghi ngờ này, đồng thời đã rà soát được 18 trường hợp F1, 52 trường hợp F2. Các trường hợp F1 đã đưa đi cách ly tại Trường Cao đẳng kỹ thuật cao Hà Nội. Địa phương đang phối hợp chặt chẽ với CDC Hà Nội để kịp thời xử lý.
Cũng về trường hợp này, quận Hà Đông cho biết, đã xác định được 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng đã tiếp xúc với ca nghi ngờ tại quận Bắc Từ Liêm vào sáng 4-8. Trường hợp này đến khám sức khỏe nhưng không điều trị tại Bệnh viện Hà Đông. Giám đốc Bệnh viện Hà Đông Đào Thiện Tiến cho biết, hiện nay, những người tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ này đã được đưa đi cách ly. Bác sĩ và điều dưỡng khi tiếp xúc với bệnh nhân đều mặc đồ bảo hộ phòng, chống dịch như quy định. Bệnh viện cũng tiến hành phun khử khuẩn theo đúng quy định.
Báo cáo tại cuộc họp, các quận, huyện: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đông Anh... cho biết, đều đã nhanh chóng rà soát các trường hợp từ Đà Nẵng, những trường hợp liên quan đến các ca bệnh đã công bố và cả trường hợp liên quan đi cùng chuyến xe có bệnh nhân 620 (Hà Nam). Các địa phương cũng thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa quán karaoke, quán bar, các hàng quán vỉa hè... Đồng thời, các địa phương cũng có phương án phòng, chống dịch, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đánh giá, ca nghi ngờ ở Bắc Từ Liêm có lộ trình phức tạp, đề nghị quận Bắc Từ Liêm, CDC rà soát các trường hợp liên quan và cách ly, xét nghiệm nhanh, đồng thời phải công bố lịch trình của trường hợp này. Từ đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị cần phải giám sát chặt chẽ những người từ Đà Nẵng về, nhất là các trường hợp chưa qua 14 ngày; những trường hợp đi cùng xe ô tô, cùng chuyến bay với những ca bệnh thì phải coi là trường hợp F1 cần cách ly ngay. Hà Nội chuẩn bị đón 800 khách "mắc kẹt" tại Đà Nẵng về, các đơn vị phải quản lý chặt chẽ những trường hợp này, đưa vào cách ly tập trung ngay. Về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, những trường hợp F1 và F2 không thi vào đợt này mà sẽ thi vào đợt sau.
Cân nhắc nâng mức cảnh báo dịch thêm một mức
Đánh giá về tình hình dịch, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhận định, diễn biến dịch đang rất phức tạp, mức độ lây lan nhanh và đã lây lan ra cộng đồng. Hiện nay, Hà Nội đã rà soát các trường hợp đi Đà Nẵng từ ngày 8-7, các trường hợp liên quan đến các ca bệnh và ca nghi ngờ. Tuy nhiên, vi rút SARS-CoV-2 biến thể có nhiều mức độ nguy hiểm và lây lan nhanh nên người dân cần nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch.
Với ca nghi ngờ tại quận Bắc Từ Liêm vừa phát hiện có lịch trình di chuyển phức tạp, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhận định, có thể đã có lây lan trong cộng đồng. Mặc dù thành phố đã tổ chức xét nghiệm nhanh cho tất cả trường hợp đi Đà Nẵng nhưng kết quả này chỉ là tương đối, không phải tuyệt đối.
"Chỉ khi xét nghiệm PCR mới có thể khẳng định chắc chắn kết quả", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Từ đánh giá, phân tích trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị mọi người dân sau khi xét nghiệm vẫn cần phải tự cách ly, theo dõi sức khỏe; nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải lập tức báo với cơ sở y tế địa phương, tổ chức xét nghiệm PCR, tổ chức cách ly nếu cần.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu: Tiếp tục rà soát số người từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi về, nếu chưa qua 14 ngày thì phải nghiêm túc cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Các địa phương phải giám sát chặt chẽ những trường hợp này. Những trường hợp đi Đà Nẵng về trong những ngày tới cần phải lấy mẫu xét nghiệm PCR.
Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát chuyến bay số hiệu VN7198 từ Đà Nẵng ra Hà Nội ngày 24-7 để thực hiện cách ly, xét nghiệm. "Chuyến bay này có 6 bệnh nhân dương tính, lại ngồi hạng phổ thông nên khả năng lây lan rất lớn. Các đơn vị cần ngay lập tức rà soát các hành khách trên chuyến bay này", đồng chí Nguyễn Đức Chung chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chuẩn bị đủ cơ sở vật chất tại các khu cách ly tập trung để đón 800 người Hà Nội bị "mắc kẹt" tại Đà Nẵng trở về. "Ngành Y tế cần rút kinh nghiệm về việc thực hiện quy trình khám, chữa bệnh, trong đó cần nghiêm túc thực hiện khai báo y tế cho bệnh nhân. Thành phố sẽ tổ chức một phiên họp chuyên đề riêng về vấn đề này", đồng chí Nguyễn Đức Chung lưu ý.
Ngoài ra, liên quan đến ca nghi nhiễm mới phát hiện tại quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, quận Bắc Từ Liêm phải rà soát chi tiết lịch trình của người này, công bố hành trình đi lại, di chuyển; rà soát những nơi đến và đi của trường hợp này để khoanh vùng các trường hợp F1, F2, lập tức lấy mẫu xét nghiệm và tổ chức cách ly. Xí nghiệp xe buýt 10-10 cũng phải rà soát hành trình di chuyển, làm việc của ca nghi nhiễm này.
Ngoài việc yêu cầu các đơn vị tăng cường rà soát, khoanh vùng các trường hợp liên quan ca bệnh, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh yêu cầu người dân cần tự giác trong phòng, chống dịch: Bắt buộc phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng, khi tham gia các phương tiện công cộng; tránh tập trung đông người; thực hiện giãn cách. Tất cả các hoạt động đông người như: Vũ trường, quán bar, karaoke, lễ hội, thể thao đông người... phải cấm triệt để trong giai đoạn này. Tất cả nơi công sở, văn phòng phải "kích hoạt" các biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương phải có đội phản ứng nhanh hoạt động 24/24/7, bảo đảm phục vụ nhân dân khi nhận được yêu cầu về khám, xét nghiệm...
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu tất cả quận, huyện, thị xã phải chuẩn bị các điều kiện phòng dịch để bảo đảm kỳ thi diễn ra đúng như kế hoạch. Các phòng thi phải được khử khuẩn trước và sau khi thi xong; thí sinh phải đeo khẩu trang; bảo đảm ngồi giãn cách trong phòng thi...
"Tình hình dịch đang diễn biến phức tạp hơn, Hà Nội đã có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hơn nữa, Hà Nội là thành phố đông dân, mật độ người tham gia giao thông lớn, vì thế thành phố sẽ cân nhắc nâng mức cảnh báo dịch thêm một mức nữa", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.