Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2012 và những năm tiếp theo của TP, các vị đại biểu HĐND, các đồng chí lãnh đạo TP và nhân dân Thủ đô cần quan tâm thêm đến một số vấn đề lớn sau đây:
Một là, tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời giữ cho được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và triển khai tốt Nghị quyết về một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua tại kỳ họp thứ ba vừa qua. Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND cần đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp quyết liệt, thận trọng nhưng linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô, phấn đấu hoàn thành tốt nhất mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2012. Tạo cho được chuyển biến tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô.
Hai là, quán triệt đầy đủ, thống nhất nhận thức và hành động, có các biện pháp phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh những quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu đã được xây dựng, TP cần tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực còn lại và có các kế hoạch triển khai cụ thể, khoa học nhằm xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, văn minh, hiện đại.
Ba là, theo chương trình, dự án Luật Thủ đô sẽ tiếp tục được Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2012). Để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, đề nghị Hà Nội cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan của Quốc hội trong quá trình chuẩn bị và hoàn chỉnh dự án, trình bày rõ ràng có sức thuyết phục, tạo cho được sự đồng thuận cao trong Quốc hội, trong đó cần lưu ý đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật và một số phân cấp, quy định đặc thù cho Thủ đô Hà Nội liên quan đến công tác quản lý đô thị, nhất là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quản lý xây dựng, giao thông, dân cư, môi trường...
Và bốn là, cùng với việc cải tiến đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, TP Hà Nội cần đi đầu trong cả nước về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của HĐND, nhất là các kỳ họp HĐND. Theo đó cần chuẩn bị thật tốt chương trình, nội dung kỳ họp, nâng cao chất lượng các đề án, báo cáo. Phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong quá trình thảo luận và ra nghị quyết, quyết định. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát và tiếp xúc cử tri, khắc phục tình trạng hình thức. Thực hiện các biện pháp đồng bộ với sự phối hợp tích cực của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, cơ quan ngôn luận cùng nhân dân trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị của cử tri và các kết luận sau giám sát. Tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát tại kỳ họp và trong thời gian giữa hai kỳ họp. Đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đưa hoạt động chất vấn thành một trong những hoạt động thường xuyên, một hình thức giám sát trực tiếp và hiệu quả đối với bộ máy nhà nước; cần lựa chọn vấn đề, ban hành nghị quyết về chất vấn và tăng cường giám sát của hội đồng, của các đại biểu và nhân dân trong tổ chức thực hiện, công khai minh bạch trước cử tri. Tăng thời lượng phát sóng phát thanh, truyền hình để cử tri theo dõi, giám sát hoạt động của HĐND và các đại biểu, làm cho nhân dân tin tưởng, tích cực tham gia vào hoạt động của HĐND TP.
(*) Đầu đề do Hànộimới đặt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.