Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Các sở, ngành đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết 11

Minh Huệ| 04/04/2017 08:25

(HNMO) - Sáng nay (4-4), Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành thành phố về kết quả thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô.


Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị.Ảnh: Viết Thành


Chủ trì hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã trình bày dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ chính trị (khóa XI) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020” và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô. Theo đó, kinh tế Thủ đô 5 năm qua tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh chịu sự tác động của suy thoái kinh tế; các loại thị trường từng bước phát triển và mở rộng; quy mô thu ngân sách tăng khá, bảo đảm cân đối chi thường xuyên và đầu tư phát triển; các nguồn lực xã hội được phát huy.

Bên cạnh đó, quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị có chuyển biến tiến bộ, theo hướng đồng bộ, hiện đại, ổn định và lâu dài. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, khẳng định vị thế là trung tâm lớn của cả nước.

Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và những vấn đề liên quan đến biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp.

Hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết với các địa phương trong cả nước với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, tạo được chuyển biến tích cực.

Dự thảo báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, trong đó kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô; hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp; việc thực hiện một số tiêu chí cơ bản về tái cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu đề ra; kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám có giá trị gia tăng cao của các ngành kinh tế chủ lực chưa rõ nét. 

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất nông nghiệp còn nhiều, song xử lý còn chậm; việc lập quy hoạch, nhất là quy hoạch các khu đô thị vệ tinh còn chậm; chất lượng quy hoạch còn hạn chế. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học; năng lực vận tải hành khách công cộng và chất lượng dịch vụ của các tuyến chưa cao, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt thấp. Cấp nước sạch chưa đáp ứng nhu cầu người dân khu vực ngoại thành; xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển chưa tương xứng với vị thế, vai trò của Thủ đô, chưa thể hiện tốt vai trò nền tảng tinh thần xã hội. Thành phố có số lượng di tích lớn nhất cả nước, song đến nay, nhiều di tích đã xuống cấp, trong đó có trên 500 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị có mặt còn yếu kém. An toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp…

Dự thảo báo cáo đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Thủ đô đến năm 2020 về các lĩnh vực: phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển và quản lý đô thị; phát triển văn hóa - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; mở rộng hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và một số quận đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và sâu sắc vào dự thảo báo cáo; không chỉ liên quan đến vấn đề vĩ mô, mà còn rất cụ thể…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, việc lấy ý kiến đóng góp nhằm bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020” và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô. Ý kiến đóng góp của các đại biểu đã bổ sung thêm một cách đầy đủ, đánh giá cụ thể, toàn diện hơn kết quả tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng Đảng,... trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 11. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, các phương hướng, giải pháp, đề xuất, kiến nghị đóng góp vào dự thảo báo cáo. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đóng góp, Ban biên tập dự thảo báo cáo sẽ chỉnh sửa lại cơ cấu, bố cục cho hợp lý, bổ sung nội dung để hoàn chỉnh báo cáo trước khi trình Bộ Chính trị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Các sở, ngành đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết 11

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.