Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội bảo đảm công khai, minh bạch trong lựa chọn sách giáo khoa

Mai Hữu| 14/03/2023 17:23

(HNMO) - Chiều 14-3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi giám sát.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi làm việc. Dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chủ động thực hiện chuyên đề giám sát, tạo thuận lợi cho Đoàn trong quá trình giám sát tại địa phương. Đoàn giám sát đánh giá, Hà Nội là địa phương đa dạng loại hình trường học (công, tư, quốc tế), có nhiều vùng, miền nên sẽ có nhiều thông tin phục vụ chuyên đề giám sát.

Đoàn giám sát và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã trao đổi trên tinh thần làm rõ thêm nhưng vấn đề báo cáo giám sát còn chưa thể hiện cụ thể, như những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị để thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Về nội dung cụ thể, thông qua giám sát trên địa bàn Hà Nội, đa phần đối tượng được giám sát đánh giá cao các mục tiêu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên, điều kiện triển khai thực hiện chương trình còn gây nhiều băn khoăn cho giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý, trong đó, việc đáp ứng ngay các mục tiêu của chương trình là vấn đề khó khăn.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng quan tâm trao đổi về các vấn đề: Công khai, minh bạch việc lựa chọn sách giáo khoa; giá thành sách giáo khoa có phù hợp thu nhập của đại đa số người dân; tài liệu giáo dục địa phương chưa được in ấn, phát hành; nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ dạy và học...; trao đổi về công tác tập huấn, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục; việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ...

Quang cảnh buổi làm việc.

Làm rõ một số nội dung mà Đoàn giám sát nêu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến thông tin, Sở đã giao các trường lựa chọn sách giáo khoa từng môn học theo tiêu chí của từng trường. Với sách giáo khoa lớp 2, 3, 6, 7, 10, thành phố thực hiện theo quy định, với việc xây dựng bộ tiêu chí chung để việc chọn các môn học bảo đảm phù hợp với học sinh và khu vực. Các trường sau khi lựa chọn xong thì gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để Sở tham mưu UBND thành phố lựa chọn sách giáo khoa, bảo đảm yếu tố công khai, minh bạch.

Ông Phạm Xuân Tiến nhận định, học sinh gặp khó khăn về sách giáo khoa khi chuyển trường là có, nhưng đây số lượng cá biệt, không phổ biến. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Sở yêu cầu các quận, huyện, thị xã ưu tiên cho khối lớp 1, vì đây là lớp đầu tiên thực hiện, tạo điều kiện đổi mới chương trình thành công cho những khối lớp sau. Bên cạnh đó, thành phố đã phân cấp cho quận, huyện, thị xã thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo ngân sách của địa phương hoặc ngân sách thành phố cấp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội bảo đảm công khai, minh bạch trong lựa chọn sách giáo khoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.