Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội - Bắc Kạn - Cao Bằng: Liên kết, hợp tác phát triển

Võ Lâm| 04/03/2012 07:20

(HNM) - Thực hiện chương trình tăng cường liên kết, hợp tác phát triển "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", nối tiếp những chuyến thăm và làm việc với các tỉnh Tây Bắc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, sau hai tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, trong hai ngày đầu tháng 3 này, Đoàn công tác của TP Hà Nội do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo dẫn đầu đã đến thăm, làm việc với hai tỉnh miền núi Bắc Kạn, Cao Bằng. Chuyến đi như nhiều người nói, "ngỡ xa mà thật gần", đem đến nhiều điều thú vị, bất ngờ với tình cảm nồng hậu và quyết tâm nâng tầm hợp tác phát triển của Hà Nội với hai vùng đất cách mạng này.

Một góc thị xã Cao Bằng. Ảnh: Thành Vinh

1. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Hoàng Ngọc Đường mở đầu bản phác thảo về tỉnh nhà bằng những câu chuyện đổi thay sau 15 năm tái lập tỉnh: "Mười lăm năm trước, đoạn đường đi qua thị xã tỉnh lỵ Bắc Kạn chỉ dài 800m, nhỏ hẹp, hai bên là những dãy nhà cấp 4 lợp ngói xi măng cũ kỹ, lụp xụp. Giờ thì các bạn thấy đấy, mọi con đường, góc phố đã trở nên khang trang, đẹp đẽ". Cũng thời điểm đó, "nền công nghiệp" duy nhất của tỉnh chỉ có một xưởng cơ điện rèn dao, liềm cho nông dân sau đó ít lâu thì buộc giải thể. Giờ thì Bắc Kạn đã có cả khu công nghiệp Thanh Bình với quy mô giai đoạn 1 là 73,5ha. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm trên 10%. Ngoài khai khoáng, ngành công nghiệp chế biến gỗ, chế biến nông sản cũng đang rất hứa hẹn tại Bắc Kạn. "Chúng tôi còn thiếu ba nhà máy chế biến gỗ quy mô khoảng 100.000 m3/năm" - lãnh đạo tỉnh cho biết.

Tỉnh cũng đang tập trung làm quy hoạch để thu hút đầu tư, đặc biệt hấp dẫn là quy hoạch đô thị Bắc Kạn trở thành thành phố hai bên sông Cầu, quy hoạch tổng thể khu du lịch hồ Ba Bể. "Hồ Ba Bể vẫn còn rất hoang sơ, nên sau khi quy hoạch chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư. Còn thị xã Bắc Kạn sẽ được quy hoạch 2.800ha, trong đó một nửa đô thị bắc sông Cầu là vùng đất bằng tiếp nối với một dải núi rất đẹp phía sau, rất đáng để đầu tư" - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Xuân Cường giới thiệu.

2. Với Cao Bằng, vùng đất địa đầu Tổ quốc, những đổi thay thậm chí còn gây ngạc nhiên hơn. Thị xã Cao Bằng có vẻ đẹp xinh xắn, yên bình của một đô thị giữa mênh mông rừng núi, nhưng cũng rất nhộn nhịp hoạt động kinh doanh dịch vụ. Cao Bằng là nơi khởi đầu của đường Hồ Chí Minh. Ngày Đoàn cán bộ TP Hà Nội đến những đoạn đường đầu tiên đã hình thành vóc dáng. Đây là niềm tự hào, cũng là niềm hy vọng phát triển mới của tỉnh.

Chưa hết, với nhiều di tích, danh lam, lại có tới ba cửa khẩu với Trung Quốc, Cao Bằng là vùng đất có sức hút rất lớn. Bí thư Tỉnh ủy Hà Ngọc Chiến hào hứng nói về tiềm năng du lịch của tỉnh nhà, đặc biệt với di tích lịch sử cách mạng Pắc Bó và những danh thắng tuyệt đẹp như động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, khu sinh thái Phja oắc-Phja đén. Bí thư Hà Ngọc Chiến còn gợi mở rằng, khu sinh thái Phja oắc-Phja đén có nhiệt độ quanh năm mát mẻ chẳng khác gì Tam Đảo, Đà Lạt, lại là nơi nuôi cá hồi, trồng rau, trồng hoa đặc sắc. Trước đây, người Pháp từng xây dựng nhà nghỉ ở khu này. Cao Bằng rất mong sẽ có nhà đầu tư tầm cỡ quan tâm đầu tư biến nơi đây thành điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái hấp dẫn. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Hà Nội (10 tỷ đồng), khu di tích Pắc Bó vừa có thêm công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiến trúc đẹp, ấn tượng chắc chắn sẽ là điểm đến mà các doanh nghiệp lữ hành không thể không quan tâm.

3. Bắc Kạn, Cao Bằng đều là những vùng đất xanh, nơi "bước ra cửa là thấy rừng". Sức hấp dẫn của hai vùng đất liền một dải này còn là sự tinh khiết của hương núi, hơi rừng, của những sản vật như rau xanh, hồng không hạt, khoai môn, quýt (Bắc Kạn), hạt dẻ Trùng Khánh, trúc sào Nguyên Bình, bò Mông (Cao Bằng)… Ở đây dường như sản vật nào cũng có phẩm chất như vậy. Chúng tôi rất nhớ lời Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Hoàng Ngọc Đường rằng, ở Bắc Kạn có muốn mua gà công nghiệp cũng không có, chúng tôi chỉ có "gà đi dạo, gà sạch". Còn một cán bộ của tỉnh Cao Bằng thì nói đùa về một điều rất thật rằng "rau quả của Cao Bằng chỉ thiếu một vị là… thuốc kích thích, hóa học!". Chỉ có điều rất đáng tiếc và cũng là sự thiệt thòi của người Hà Nội là không biết bao giờ những sản vật vừa ngon vừa sạch, lại rất an toàn như thế sẽ đến với đông đảo người mua, để đánh bật nỗi lo hằng ngày của người dân mỗi khi ra chợ. Đó là câu hỏi dành cho những nhà doanh nghiệp, những sở, ngành chịu trách nhiệm về thương mại, nông nghiệp của Hà Nội, Cao Bằng và Bắc Kạn. Cần phải thay đổi một thực tế "người Trung Quốc thì nhâm nhi quýt Bắc Kạn vì vừa ngon vừa sạch, còn người Hà Nội thì phải mua quýt Trung Quốc". Đó là lời Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Hoàng Ngọc Đường.

Không chỉ có đại diện các sở, ngành, mà chính các doanh nghiệp đi cùng, trong đó có hai doanh nghiệp hàng đầu của Hà Nội là Tổng Công ty Thương mại (Hapro) và Tổng Công ty Du lịch (Hanoitourist) đã tỏ rõ quyết tâm khai thác tiềm năng, thế mạnh của Bắc Kạn, Cao Bằng, đặc biệt là về thương mại, du lịch. Hapro muốn xây dựng trước hết ở mỗi tỉnh một trung tâm thương mại làm đầu mối giao thương hàng hóa giữa Hà Nội với Bắc Kạn và Hà Nội với Cao Bằng. Hanoitourist dự định mở văn phòng đại diện tại hai tỉnh. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp có lẽ là chưa đủ, nên cơ hội còn rộng mở đối với các nhà đầu tư, nhất là khi lãnh đạo TP Hà Nội và lãnh đạo các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng đã thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu hợp tác làm ăn.

Năm năm qua, Hà Nội và Bắc Kạn, Cao Bằng đã thực hiện chương trình liên kết hợp tác phát triển, nhưng như nhận xét của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, kết quả còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là còn quá ít ỏi. Vì vậy, những năm tới việc liên kết hợp tác phải đi vào cụ thể, thực chất hơn. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là đòi hỏi thiết yếu trên con đường thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác khu vực của Hà Nội và cả nước.

Chia tay Bắc Kạn, Cao Bằng, chúng tôi cứ ám ảnh bởi lời một đồng chí lãnh đạo đoàn Hà Nội, phải nói nhiều với người dân Thủ đô rằng đến Bắc Kạn, Cao Bằng gần lắm. Bởi vì cứ nhắc tới Bắc Kạn, Cao Bằng là ai cũng nghĩ đường núi khó đi, xa xôi cách trở, nên có tâm lý ngại ngùng. Thực tế chỉ sau 3-4 giờ xe chạy là đã có thể có mặt ở Bắc Kạn, Cao Bằng thế nên nhiều người mới ngạc nhiên thốt lên Bắc Kạn, Cao Bằng gần lắm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội thăm Bộ Tư lệnh Quân khu I


(HNM) - Hôm qua 3-3, nhân chuyến thăm, làm việc với các tỉnh vùng Đông bắc, Đoàn công tác TP Hà Nội do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo dẫn đầu đã đến thăm Bộ Tư lệnh Quân khu I tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã thông báo kết quả chuyến thăm, làm việc của Đoàn công tác TP với các tỉnh Đông bắc và chủ trương tăng cường liên kết hợp tác phát triển giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện, tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực quốc phòng, an ninh. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn cảm phục, biết ơn những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ Quân khu I đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí tin tưởng với truyền thống anh hùng, Quân khu I sẽ là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của nhân dân, bảo vệ hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Quốc Bình

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - Bắc Kạn - Cao Bằng: Liên kết, hợp tác phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.