(HNMO) – Trong khi Bộ GTVT đang đề xuất nhiều giải pháp “nóng” để giải quyết tình trạng ùn tắc của Hà Nội thì TP Hà Nội cũng đang ráo riết thực hiện phát triển mạng lưới hạ tầng khung về giao thông để cải tạo bộ mặt giao thông Thủ đô.
Dự kiến, trong 5 năm tới, nhu cầu vốn đầu tư để phát triển giao thông vận tải (GTVT) cho Thành phố Hà Nội cần khoảng 153.712 tỷ đồng, bao gồm các nguồn vốn Ngân sách Trung ương, ngân sách Thành phố, vốn xã hội hóa, vốn ODA và trái phiếu...
Mạng lưới GTVT đã phát triển nhưng thiếu và chưa đồng bộ
Thực tế, sau khi hợp nhất và mở rộng địa giới hành, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải trong thời gian qua đã có những bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại và đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và quá trình CNH-HĐH của Thủ đô. Hàng loạt các công trình giao thông quan trọng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Phùng; nút Kim Liên; các đường Vành đai 3, Lê Văn Lương kéo dài, quốc lộ 32, trục phía Bắc Hà Đông...
Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông thuộc kết cấu hạ tầng khung khác đã khởi công xây dựng, như: cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân-Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, Vành đai 1,2, Quốc lộ 1,3,6...đã góp phần cải thiện rõ rệt năng lực của mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và góp phần hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế-xã hội và tốc độ đô thị hóa cao, Thủ đô Hà Nội đang phải chịu một sức ép mạnh về giao thông vận tải do nhu cầu đi lại ngày càng cao, phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện giao thông cá nhân tăng rất nhanh, trong khi mạng lưới vận tải còn thiếu rất nhiều và chưa đồng bộ. Hơn nữa, sự mất cân đối về mật độ dân cư giữa khu vực nội đô và ngoại thành dẫn đến sự tập trung tại một số khu vực, một số tuyến đường gây ùn tắc giao thông cục bộ, kéo dài tại một số khu vực, một số nút giao và tuyến đường chính của thành phố gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị của Thủ đô.
Ngoài ra, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đối với Thủ đô đang trên đà phát triển và hội nhập, chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của Thủ đô. Nguyên nhân chính vẫn là do kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn thiếu nhiều và tồn tại nhiều yếu kém, bất cập, thể hiện ở các mặt: Thiếu một quy hoạch tổng thể và đồng bộ về phát triển GTVT; Kết cấu hạ tầng GTVT còn thiếu quá nhiều; Vận tải hành khách công cộng chưa phát triển.
Cần đầu tư mạnh
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, để tạo bước đột phá mạnh mẽ về giao thông vận tải trong khi nền kinh tế thị trường chưa phát triển và kinh phí đầu tư còn hạn hẹp thì cần ưu tiên tập trung phát triển mạng lưới khung về GTVT, trong đó lựa chọn một số công trình giao thông cấp bách có vai trò quan trọng trong việc làm giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố để từng bước làm thay đổi căn bản bộ mặt về GTVT của Thành phố. Đồng thời, từng bước thực hiện được mục tiêu quy hoạch đề ra là đến năm 2030, mật độ đường giao thông chính phải đạt 3,5-5km/km2, tỷ lệ đất dành cho giao thông chiếm 20-26% quỹ đất xây dựng đô thị, cụ thế:
Theo đó, Thành phố đang tập trung đầu tư xây dựng và cải tạo mở rộng các quốc lộ hướng tâm (các Quốc lộ 1A, 6, 3, 32); Hoàn thành khép kín các tuyến Vành đai 1,2,3, trong đó đặc biệt quan tâm là tuyến Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Nhật Tân; Mở rộng và xây dựng mới các trục đường chính đô thị có tính chất Vành đai: Vành đai 2,5 (đoạn Lĩnh Nam-Xuân Đỉnh), Vành đai 3,5 (đoạn Quốc lộ 1A-đường Lê Trọng Tấn -Quốc lộ 32) và các trục chính quan trọng: trục Bắc-Nam (Hà Tây cũ), trục Tây Thăng Long, đường 21(Xuân Mai-Sơn Tây)...; Tập trung xây dựng các tuyến đường chính kết nối trong nội đô: Văn Cao - Hồ Tây, Cát Linh - La Thành, La Thành - Thái Hà - Láng, Yên Hòa - Bảo tàng Dân tộc học...; Tập trung đầu tư các dự án xây dựng bến, bãi đỗ xe trong khu vực nội đô, ven đô, xây dựng các điểm trung chuyển đa phương thức, các bến xe đầu mối....
Bên cạnh đó, cần xây dựng các nút giao thông khác, cùng với việc đầu tư 15 cầu đi bộ qua đường. Thành phố cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải triển khai tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh-Hà Đông, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Nhổn-Ga Hà Nội), tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi chuẩn bị đầu tư...
Ngoài việc tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng GTVT cần phải tập trung và giám sát việc thực hiện theo định hướng quy hoạch chung đã phê duyệt về việc phát triển không gian đô thị một cách hợp lý, hạn chế sự tập trung dân cư vào khu vực đô thị trung tâm để hạn chế ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông khu vực nội đô.
Trong một buổi làm việc mới đây với UBND Thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh: Bên cạnh các giải pháp “nóng” hiện nay để giảm ùn tắc giao thông cho Thành phố Hà Nội; trong thời gian tới sẽ tập trung đầu tư mạnh cho phát triển hạ tầng giao thông của Hà Nội đi trước một bước để thúc đẩy kinh tế xã hội của Thủ đô nói riêng và của cả nước phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.