Kinh tế

Hà Nội: 293 dự án còn khó khăn về GPMB

Hà Vũ - Ảnh: Viết Thành 22/09/2023 - 00:17

Chiều 21-9, báo cáo tại Hội nghị Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội giao ban quý III-2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết: Có 4 khó khăn chính đang ảnh hưởng tới công tác giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội, trong đó có 293 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

4 nhóm khó khăn, vướng mắc

Trình bày Báo cáo tình hình và các yêu cầu, giải pháp tăng cường, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết: Tính đến ngày 15-9, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của toàn thành phố là 22.876 tỷ đồng, đạt 43,1% kế hoạch thành phố giao và đạt 48,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

img_2556.jpeg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân.

“Tỷ lệ giải ngân của thành phố trong các tháng vừa qua đều cao hơn trung bình của cả nước. Đồng thời, lũy kế giải ngân đến ngày 20-9-2023, đạt 50% kế hoạch trung ương giao, cao hơn so với lũy kế giải ngân ngày 30-9-2022 của thành phố, xấp xỉ ước lũy kế giải ngân trung bình của cả nước đến hết tháng 9-2023 (51,3%)”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Nêu 4 khó khăn chính đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công hiện nay, ông Lê Anh Quân cho biết: Hiện có 293 dự án có khó khăn, vướng mắc về công tác GPMB, gồm 99 dự án ngân sách cấp thành phố; 47 dự án ngân sách cấp thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện và 147 dự án ngân sách cấp huyện.

332 dự án ngân sách cấp huyện cũng đang khó khăn về nguồn vốn đầu tư do khó khăn về đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất...

Theo báo cáo, 30 quận, huyện, thị xã giao chỉ tiêu nguồn thu sử dụng đất là 21.307 tỷ đồng (cao hơn thành phố giao 1,25 lần), trong đó 16.582 tỷ đồng sử dụng cho kế hoạch đầu tư công năm 2023 (cao hơn thành phố giao 1,41 lần). Lũy kế thu đến tháng 8-2023 từ nguồn thu từ đất là 4.186 tỷ đồng, đạt 24,6% kế hoạch thành phố giao và 19,6% kế hoạch cấp huyện giao. Đặc biệt, theo dự kiến đến cuối năm 2023, có 8 đơn vị ước hụt thu so với kế hoạch thành phố giao.

UBND thành phố Hà Nội

Ngoài ra, còn một số dự án có khó khăn về vướng mắc khác như công tác tái định cư, thanh lý tài sản, điều chỉnh dự án... 160 dự án cấp thành phố được phê chủ trương đầu tư, chưa phê dự án, tập trung vào một số lĩnh vực: giao thông (39 dự án); thủy lợi (26 dự án); y tế (17 dự án)…

img_2558.jpeg
Đại biểu thảo luận về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Điều hành thảo luận về nội dung này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Đây là nội dung Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố rất quan tâm. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân trong năm nay. Với kết quả hiện nay, để đạt mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân rất nhiều và nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của các sở, ban, ngành, địa phương...

Tham luận về nội dung này, đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố, huyện Đan Phượng, quận Nam Từ Liêm... đã nêu rõ kết quả giải ngân của đơn vị, địa phương, bài học kinh nghiệm và các giải pháp để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu giải ngân năm 2023.

Đáng chú ý, các ý kiến cho rằng, để có được kết quả giải ngân cao, các quận, huyện phải có kế hoạch ngay từ đầu năm, phân công, giao chỉ tiêu theo từng tháng kết hợp với kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; tranh thủ sự chỉ đạo của thành phố, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành...

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, cứ mỗi 1% không giải ngân được, thành phố phải chuyển nguồn sang năm tiếp theo khoảng 500 tỷ đồng; 10% không giải ngân được, “mất” 5.000 tỷ đồng. Các cấp, các ngành cần cố gắng hơn nữa để giải ngân đạt mức cao nhất.

Ông Nguyễn Xuân Lưu cũng lưu ý các địa phương giải quyết tốt các kiến nghị kiểm toán để quyết toán xong các dự án để có cơ sở tiếp tục bố trí vốn đầu tư công cho năm tiếp theo.

Trưởng ban Kinh tế ngân sách - HĐND thành phố Hồ Vân Nga nêu vấn đề, khi lập kế hoạch từ đầu năm, chủ đầu tư đề xuất kế hoạch rất cao, sau đó trong các kỳ họp của HĐND thì lại đề xuất giảm, không chỉ 1 lần.

“Để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, phải nâng cao chất lượng từ khâu lập, duyệt kế hoạch”, bà Hồ Vân Nga nói.

Tổng hợp về nội dung này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND thành phố tiếp thu ý kiến các đại biểu; đồng thời lưu ý phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tháo gỡ từng dạng khó khăn, vướng mắc và đối với từng dự án cụ thể. Trong đó, số dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng khá lớn, cần có chuyên đề để phân tích cụ thể tập trung tháo gỡ.

“Đầu tư công cho các quận, huyện rất lớn; đây là cơ hội để các địa phương hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cấp ủy, chính quyền từng quận, huyện phải tập trung thực hiện với trách nhiệm cao hơn nữa”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu để giải ngân đạt thấp

Kết luận về nội dung giải ngân vốn đầu tư công, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: Thành ủy đánh giá cao sự vào cuộc của UBND thành phố trong 9 tháng qua. Kết quả giải ngân đã có những chuyển biến tích cực so với năm 2022 và luôn cao hơn trung bình của cả nước trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, cần quyết liệt hơn nữa, phấn đấu kết quả giải ngân cả năm 2023 trên 95% kế hoạch.

Để tiếp tục thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành thành phố thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, đồng chí nhấn mạnh tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 2023 của cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như xem xét, đánh giá người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đảng đoàn HĐND thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố; giám sát việc triển khai các dự án, công trình, nhất là các công trình, dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai, tiến độ hoàn thành, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được HĐND thành phố thông qua.

Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đơn vị của thành phố cần tiếp tục phát huy tính chủ động và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã được thành phố phân cấp, ủy quyền và thực hiện các dự án đã được giao làm chủ đầu tư. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm xử lý của quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các khó khăn về GPMB; xây dựng các phương án, biện pháp phù hợp để tổ chức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, đảm bảo nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ của thành phố và địa phương.

Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các đơn vị liên quan tổng hợp danh sách đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt thấp; xác định nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan và đề xuất Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan có những khuyết điểm, để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các địa bàn, lĩnh vực, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và hỗ trợ các quận, huyện, thị xã trong việc thúc đẩy giải quyết nhanh hồ sơ dự án đầu tư đang tồn đọng tại các sở, ban, ngành của thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: 293 dự án còn khó khăn về GPMB

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.