(HNM) - Chuyến công du Đông Bắc Á một tuần (từ ngày 2-12), của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Những cuộc gặp của nhân vật số hai Nhà Trắng với giới lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc trong thời điểm Washington đang phải đối mặt với không ít vấn đề tại Trung Đông và Bắc Phi cũng như những thách thức nội tại cho thấy mối quan tâm của chính quyền Barack Obama đối với việc duy trì ảnh hưởng tại Châu Á - Thái Bình Dương.
Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung Quốc là một trong những chủ đề trọng tâm trong chuyến công du Đông Bắc Á của Phó Tổng thống Mỹ J.Biden. |
Trong đó không thể không nhấn mạnh "cam kết lâu bền" với đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc vừa thiết lập "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) bao gồm cả không phận nhóm đảo tranh chấp Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku ở vùng biển Hoa Đông.
Có thể nói gánh nặng quan hệ Mỹ - Châu Á đang đè nặng lên đôi vai của Phó Tổng thống J.Biden trong chuyến công cán này. Bởi lẽ, từ khi mới lên nắm quyền, Tổng thống B.Obama cam kết "dồn toàn lực" cho Châu Á - Thái Bình Dương. Theo chiến lược "tái cân bằng", Washington sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự, đưa 60% tàu chiến đến Thái Bình Dương vào năm 2020. Thế nhưng, sức nóng đột biến tại các nước ở khu vực Trung Ðông - Bắc Phi như Iran, Syria và Ai Cập… đã chi phối đáng kể mối quan tâm trong chính sách đối ngoại mới của Mỹ. Thêm nữa, người đứng đầu nước Mỹ đã phải hủy chuyến thăm Châu Á trong tháng 10 vừa qua vì Chính phủ Mỹ đóng cửa và sự kiện này đã làm dấy lên không ít câu hỏi về cam kết của Mỹ với Châu Á. Trước sự hoài nghi của dư luận, nhiều quan chức hàng đầu của nước Mỹ trong đó có Ngoại trưởng John Kerry đã phải lên tiếng. Và ngày 20-11 vừa qua, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đã tái khẳng định Châu Á vẫn là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống B.Obama và cho biết người đứng đầu nước Mỹ sẽ thăm khu vực vào tháng 4-2014; và rằng, nước Mỹ sẽ không từ bỏ chiến lược "tái cân bằng" dù "có bao nhiêu điểm nóng nổi lên trên thế giới".
Vì những cam kết trên, trong chuyến đi 7 ngày, Phó Tổng thống J.Biden có một chương trình nghị sự dày đặc. Tại chặng dừng chân đầu tiên ngày 2-12 ở Tokyo, ông J.Biden có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về hàng loạt vấn đề, từ hợp tác song phương, thúc đẩy đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vùng biển Hoa Đông. Tại Seoul, sau hội đàm với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Phó Tổng thống J.Biden còn có bài phát biểu về quan hệ Mỹ - Hàn Quốc và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên tại Trường Đại học Yonsai. Trong chặng dừng chân cuối tại Bắc Kinh, Phó Tổng thống Mỹ J.Biden sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Các cuộc gặp của ông J.Biden với giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, thương mại, tiền tệ cũng như tình hình Bán đảo Triều Tiên và các điểm nóng của khu vực và thế giới. Nhưng quan trọng hơn, tại đất nước đông dân nhất thế giới, Phó Tổng thống Mỹ sẽ truyền tải trực tiếp lo ngại của Mỹ tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc Bắc Kinh lập ADIZ ở biển Hoa Đông bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, ứng xử của Mỹ với tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc cũng là một bài toán khó đối với Washington trong việc xoay trục hướng về Châu Á. Thực tế, Châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên như một thị trường có thể hóa giải cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay. Do vậy, đối đầu, đe dọa sẽ chẳng đem lại lợi ích gì về kinh tế, điều mà cả Washington và Bắc Kinh đều hiểu rõ.
Vì thế, mục đích của Phó Tổng thống J.Biden trong chuyến đi không chỉ mang cảnh báo tới khu vực mà quan trọng hơn là nhằm hạ nhiệt "điểm nóng" Đông Bắc Á. Đây là trọng trách, là thử thách mới trong vai trò cường quốc số một thế giới trước cam kết "xoay trục sang Châu Á" mà Phó Tổng thống J.Biden đang thực hiện như trọng tâm chiến lược trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Hàn Quốc triệu tập hội nghị an ninh quốc gia về KADIZ Ngày 2-12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này đã tổ chức một hội nghị chính sách an ninh quốc gia để thảo luận việc mở rộng Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ) nhằm đáp trả việc Trung Quốc vừa tuyên bố xác lập ADIZ của riêng mình. Trong buổi họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Wi Yong-seop cho biết, kết quả cuộc họp trên sẽ được công bố sau khi chính phủ thống nhất lập trường về vấn đề này. Trong khi đó, Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính phủ cho biết, Seoul chưa thể công bố kết quả cuộc họp bởi có nhiều đối tác liên quan đến vấn đề này. Hàn Quốc dự định tiến hành thương lượng với Trung Quốc và Mỹ nhằm đạt một thỏa thuận về kế hoạch mở rộng KADIZ của mình. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại cho rằng việc mở rộng này có thể làm trầm trọng thêm tình hình an ninh tại khu vực Đông Bắc Á. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.