Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Lan rút quân khỏi Afghanistan: Áp lực đè nặng

Quỳnh Chi| 03/08/2010 07:05

(HNM) - Hà Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấm dứt sứ mệnh hoạt động quân sự tại Afghanistan sau 4 năm cử binh sỹ tham gia chinh chiến.

Quân đội Mỹ vừa trải qua tháng thương vong nặng nề nhất sau 9 năm tham chiến ở Afghanistan.


Sự kiện 1.900 binh sĩ Hà Lan rời Afghanistan không ảnh hưởng nhiều tới cán cân lực lượng trên chiến trường. Nhưng, cuộc rút quân đang diễn ra lại gây hiệu ứng chính trị to lớn vì đúng thời điểm cả số binh sĩ NATO thiệt mạng tại Afghanistan lẫn những nghi ngờ về cuộc chiến của NATO tại các nước thành viên ngày càng gia tăng. Đây là một "gáo nước lạnh" được dự báo dội vào nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm thuyết phục các đồng minh châu Âu duy trì, thậm chí tăng thêm quân số ở Afghanistan - nơi mà Washington chọn là tuyến đầu của cuộc chiến chống khủng bố. Binh sỹ Hà Lan rời chiến trường đã phát đi tín hiệu rút quân với các lực lượng nước ngoài khỏi một cuộc chiến đã ngót 1 thập kỷ mà vẫn không xác định được chính xác thời điểm kết thúc.

Trước mắt, số binh sỹ Hà Lan rút đi sẽ được thay thế bằng một lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu gồm binh sỹ các nước Australia, Slovakia và Singapore. Thế nhưng, khi những thành viên khác của NATO như Canada, Anh... tới đây sẽ nối gót Hà Lan rút quân khỏi chiến trường này, áp lực sẽ đè nặng lên các nước thành viên còn lại, nhất là Mỹ với số lượng binh sĩ có mặt tại đây sẽ lên tới 100.000 quân vào cuối tháng 9 tới. Vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã buộc phải tăng sức mạnh của Mỹ ở Afghanistan như một giải pháp "tình thế" để cố tránh "vết xe đổ" của nhiều quốc gia đi trước trong cuộc chinh phục miền đất này.

Hiện tại, bất chấp Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) tại Afghanistan do NATO đứng đầu tập hợp một đạo quân lên đến 150.000 người, nhưng tương lai cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan vẫn mờ mịt. Thậm chí, tình hình hiện nay còn cho thấy liên quân đang phải đối mặt với những tháng ngày tồi tệ nhất. Theo Hãng thông tấn Pháp (AFP), từ đầu năm đến nay đã có 408 binh sĩ nước ngoài thiệt mạng tại Afghanistan, trong đó tháng 7 là tháng đẫm máu nhất với 66 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Trong khi đó, các chiến dịch của liên quân đang diễn ra ở miền Nam tiếp tục làm dư luận Afghanistan bất bình khi gây thêm nhiều thiệt hại cho dân thường. Mới đây, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã yêu cầu mở cuộc điều tra vụ tấn công bằng rocket của NATO vào một ngôi làng ở khu vực Sangin, tỉnh Helmand (ngày 23-7), đã cướp đi mạng sống của 44 dân thường. Đó là chưa kể những vụ "quân ta bắn quân mình" tại chiến trường này.

Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng, dù Tổng thống B.Obama có tăng viện thêm 30.000 quân cho cuộc chiến tại Afghanistan cũng không thể giúp liên quân do Mỹ đứng đầu nhanh chóng đánh bại Taliban; và rằng, kế hoạch rút quân từng phần của Mỹ dự kiến diễn ra từ tháng 7-2011 sẽ không như ý muốn. Điều này làm dấy lên nghi ngại về khả năng trụ vững của Tổng thống H. Karzai nếu Mỹ rút quân đúng theo kế hoạch.

Càng ngày dư luận các nước NATO càng gay gắt hơn với việc gửi quân tới chiến trường khốc liệt này. Đã xuất hiện dư luận rằng, cuộc chiến tại Afghanistan là "một chiến dịch chống khủng bố quá mức và phản tác dụng" hoặc "một cái giếng không đáy hút viện trợ phát triển quốc tế"... Do vậy, sức ép chính trị lên lãnh đạo các quốc gia có binh sĩ tham chiến tại Afghanistan ngày càng gia tăng. Thật khó giải thích với người dân về cái chết của hàng ngàn binh lính trong thời bình và số tiền viện trợ khổng lồ để tái thiết một quốc gia xa xôi trong khi khủng hoảng tài chính đang làm nhiều nước thành viên NATO chao đảo. Cuộc rút quân của Hà Lan trong 24 giờ qua thực sự đang làm dấy lên lo ngại đội quân của NATO sẽ càng khó khăn hơn trong cuộc vẫy vùng để thoát khỏi "vũng lầy" Afghanistan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Lan rút quân khỏi Afghanistan: Áp lực đè nặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.