(HNMO) - Ngày 10-11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang và UBND huyện Bắc Mê đã phối hợp tổ chức Hội thảo Xây dựng sản phẩm du lịch huyện Bắc Mê và ra mắt sản phẩm “Về với địa chỉ đỏ - Căng Bắc Mê”.
Bắc Mê hiện có 3 di tích được công nhận Di sản văn hóa cấp quốc gia gồm: Di tích lịch sử Căng Bắc Mê, Di tích lịch sử văn hóa hang Đán Cúm, hang Nà Chảo cùng bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời của các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói riêng. Bắc Mê cũng sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối thành phố Hà Giang với huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang), Ba Bể, Pắc Nặm (Bắc Kạn); 100% tuyến đường từ huyện đến các xã đã được trải nhựa; 84% tuyến đường liên xã, liên thôn đã được cứng hóa, phấn đấu đến năm 2025 sẽ cứng hóa 100% các tuyến đường.
Tiềm năng, lợi thế về di tích lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, danh lam, thắng cảnh và văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Mê là tiền đề quan trọng để Bắc Mê phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái và du lịch cộng đồng...
Tuy nhiên, Bắc Mê còn một số khó khăn, hạn chế trong việc phát triển du lịch, đó là: Điều kiện kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là các thôn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn (đường, điện, các dịch vụ xã hội...), tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 48,83%) trong khi nguồn lực của huyện rất hạn hẹp; các tổ chức, cá nhân tại huyện không đảm bảo năng lực, điều kiện để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn; giao thông đi lại còn khó khăn; công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương còn nhiều yếu kém...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý yêu cầu ngành Du lịch cần phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, chú trọng đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông; có quy hoạch phát triển du lịch rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư; xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng đạt chuẩn; cải thiện các vấn đề về vệ sinh môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng văn hóa ứng xử với du khách; bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc để phát triển du lịch một cách bền vững... Song song với đó, cần xây dựng hệ thống sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn, thông qua việc tổ chức các sự kiện để phát triển du lịch bốn mùa; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch.
Đánh giá cao tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch của Bắc Mê, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, Bắc Mê cần quan tâm đến hai mục tiêu khi phát triển du lịch, đó là: Phát triển du lịch để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân địa phương; giảm tải cho các tuyến trọng điểm du lịch đã quá tải khách như Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời xây dựng sản phẩm mới tại Bắc Mê để thu hút khách trở lại nhiều lần với Hà Giang.
Tại hội thảo, đại diện các công ty lữ hành đã đưa ra nhiều ý kiến hiến kế cho du lịch Bắc Mê phát triển, trong đó chú trọng việc xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, chú trọng tạo điểm nhấn và xây dựng các sản phẩm đặc thù thông qua tính liên kết chặt chẽ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.