(HNM) - Quận Hà Đông hiện vẫn còn trên 40% số hộ dân làm nông nghiệp. Và bởi vậy, việc sử dụng hiệu quả gần 1.000ha đất nông nghiệp còn lại với mục đích tạo vành đai xanh, hình thành vùng nông sản hàng hóa giá trị cao là nhiệm vụ quan trọng.
Kỳ vọng nhiều
Mô hình RAT ở Yên Nghĩa (Hà Đông) đang khó khăn về đầu ra.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết: Phục vụ mục tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, từ năm 2005 đến nay, quận đã triển khai 88 dự án liên quan đến thu hồi đất, tính bình quân 1 năm là 22 dự án với 1.450ha đất. Trong quy hoạch, toàn quận còn khoảng 800ha đất nông nghiệp thuộc vùng đất bãi để phát triển nông nghiệp lâu dài, còn lại sẽ chuyển đổi tiếp sang phục vụ mục tiêu phát triển đô thị. Với số dân trực tiếp sống bằng nghề nông chiếm 44,76% dân số toàn quận, chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị (NNĐT) đã được quận Hà Đông xác định từ 6-7 năm trước. Theo đó, tùy theo thế mạnh và tình hình cụ thể của các HTX nông nghiệp, quận sẽ triển khai xây dựng các mô hình trồng rau an toàn (RAT), hoa, cây cảnh, cây ăn quả hoặc trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sinh thái, bền vững. Diện tích đất lúa, vườn tạp ở Yên Nghĩa, Đồng Mai, Biên Giang sẽ được cải tạo, chuyển sang trồng RAT, cây cảnh, hoa cao cấp, phục vụ nhu cầu của các khách sạn, trường học, siêu thị. Xa hơn, có thể "nâng cấp" hoạt động sản xuất nông nghiệp thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, xu hướng đô thị hóa đã và đang diễn ra nhanh chóng ở quận Hà Đông, cộng với những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng tới tâm lý nông dân, khiến nhiều người muốn thoát cảnh ruộng vườn. Bởi thế, việc định hình mô hình sản xuất NNĐT theo hướng hiện đại, năng động và có hiệu quả kinh tế cao không phải là điều dễ dàng.
Gian nan khó vượt
Phó Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa Vũ Đình Trường cho biết, phường hiện còn 200ha đất bãi ven sông Đáy nằm trong định hướng quy hoạch vành đai xanh của quận. Hiện mới có 12ha sản xuất RAT, 2ha trồng đào, còn lại là trồng cây ăn quả, cấy lúa và các cây lương thực khác - những loại cho thu nhập thấp. Dự án sản xuất RAT của HTX Nông nghiệp Hòa Bình được phê duyệt năm 2007, tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng trên diện tích 11ha, mục tiêu thu 69 triệu đồng/ha mỗi vụ (200 triệu đồng/ha mỗi năm). Bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Hòa Bình, người đầu tiên tham gia dự án đã phải quay về trồng "rau thường" do trừ hết chi phí, cả năm chỉ được 4 triệu đồng từ hai sào RAT. Nhiều hộ khác tham gia dự án RAT của HTX Hòa Bình cũng chung cảnh ngộ. Do vậy, 50/300 hộ đã bỏ dự án, trong đó 47 hộ chuyển sang trồng cây ăn quả, lương thực, số ít còn bám trụ với RAT phải tự vật lộn tìm đầu ra. Một số mô hình trồng hoa mới manh nha, chưa thể tạo sự bứt phá. HTX NN Nghĩa Lộ, được ví là HTX "say hoa", nhiều năm liền tìm kiếm các mô hình trồng hoa phù hợp với tập quán canh tác của xã viên. Năm 2009, HTX trồng 2 mẫu hoa với 16 hộ tham gia thì chỉ có 7, 8 hộ có lãi, còn lại "hòa vốn" do chưa có kinh nghiệm. Năm 2010, HTX mở lớp đào tạo nghề trồng hoa cây cảnh 3 tháng cho 45 hộ, tạo tiền đề để nâng diện tích trồng hoa đào lên 2ha trong năm 2011. Ông Trần Đức Hà, Chủ nhiệm HTX NN Nghĩa Lộ lo ngại hiện đất NN còn ít, việc dồn điền đổi thửa không thực hiện được, rất khó để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, xây dựng vùng chuyên canh hoa…
Những điều kể trên không chỉ là khó khăn riêng của các HTX thuộc phường Yên Nghĩa, mà là nỗi lo chung của các phường còn đất NN của Hà Đông. Để "nhà nông ở phố" có thể làm giàu và gắn bó với nghề, để nghề nông trở thành một "điểm nhấn" trong đời sống đô thị thì cần có những chính sách, giải pháp bền vững hơn. Việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất RAT tại các HTX NN Hòa Bình (phường Yên Nghĩa), Biên Giang, (phường Đồng Mai) cần có những cơ chế hợp lý và giải pháp quyết liệt… Hà Đông cần mở nhiều lớp đào tạo nghề hoa cây cảnh, RAT, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng để khai thác tiềm năng vùng đất ven đô trong quá trình đô thị hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.