Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 22/12, một độc giả đã hỏi Thống đốc Nguyễn Văn Bình như sau: Tôi là một cán bộ nghỉ hưu suốt cuộc đời dành dụm được một chút tiền. Mấy năm trước, tôi cứ phải xoay chuyển số tiền của mình từ Việt Nam đồng sang đô-la Mỹ, sang vàng để bảo toàn giá trị. Nhưng năm vừa rồi, với thị trường vàng, tỷ giá đô la Mỹ như vậy, giữ tiền đồng có vẻ là có lợi hơn. Xin hỏi Thống đốc, năm 2014 chính sách ngân hàng như thế nào, liệu tôi có thể yên tâm khi tiếp tục nắm giữ tiền đồng Việt Nam hay không?
Trả lời câu hỏi đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Đường lối xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện nay và những năm tiếp theo là ổn định giá trị đồng Việt Nam và nâng cao vị thế của đồng Việt Nam trong các kênh đầu tư.
Đến nay, chúng ta đã thành công một bước rất vững chắc và có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc ổn định giá trị đồng Việt Nam và nâng cao vị thế đồng Việt Nam. Suốt trong 2 năm vừa qua, tất cả những ai có tiền gửi bằng đồng Việt Nam vào hệ thống ngân hàng đều có lãi và đều rất an toàn.
Do vậy, với chính sách kiên định của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi có thể khẳng định rằng nếu đồng bào, nhân dân nào đã có tiền gửi bằng đồng Việt Nam thì hãy nên tiếp tục gửi tiền bằng đồng Việt Nam, cũng như những người nào còn đang băn khoăn thì chúng tôi đề nghị hãy nên sử dụng đồng Việt Nam để gửi vào hệ thống ngân hàng. Đây thực sự là kênh đầu tư an toàn nhất, hấp dẫn nhất, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và đó cũng là mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng trong chương trình tối qua, một nhóm nông dân đã bày tỏ: Chính phủ và Thống đốc đã khẳng định chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn với lãi xuất cho vay chỉ là 9%. Nhưng những hộ nông dân có kế hoạch sản xuất tốt vẫn đang phải vay vốn ở ngân hàng NN&PTNT là 11%. Ngân hàng này đã ký với một công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi và chỉ chấp nhận chứng từ của công ty đó. Nhưng với chúng tôi, công ty này chất lượng không đảm bảo mà giá thành lại đắt, vì vậy, chúng tôi đã mua cám của đại lý khác thì không được chấp nhận mà phải vay của ngân hàng với lãi suất 11%. Vậy, ngân hàng nhà nước có quy định như vậy hay không?
Với câu hỏi này, Thống đốc cho biết, trong thời gian qua, chủ trương đầu tư vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Dưới góc độ hệ thống ngân hàng, Ngân hàng nhà nước đã có Nghị định 41 để quy định cho vay trong lĩnh vực này. Nhờ có việc tập trung nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp, tín dụng ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã có bước phát triển nhảy vọt. Trong 5 năm trở lại đây, tín dụng ngân hàng phục vụ nông nghiệp đã tăng gấp 2,5 lần, trung bình mỗi năm tăng khoảng 20%, riêng năm nay dù kinh tế còn khó khăn như vậy, tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống chỉ xấp xỉ 10% thì riêng tín dụng nông nghiệp nông thôn đã tăng trên 17%.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước luôn có những chính sách để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, ví dụ như ưu tiên vốn, tạo mọi cơ chế ưu đãi để các ngân hàng có điều kiện tập trung vốn cho nông nghiệp. Mặc dù đến nay Ngân hàng Nhà nước không có quy định trần lãi suất cho vay, nhưng riêng lĩnh vực nông nghiệp thì suốt trong thời gian khó khăn vừa qua, chúng tôi luôn quy định trần lãi suất cho vay trong nông nghiệp, cụ thể hiện nay mức trần đó là 9% đối với cho vay ngắn hạn.
Đối với trường hợp vừa rồi bà con phản ánh, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm nhưng về mặt nguyên tắc, chúng tôi khẳng định rằng, nếu bà con nông dân hay các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp có dự án tốt, có đề án sản xuất chăn nuôi tốt thì nhất định sẽ tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng nói chung và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nói riêng. Nếu vay vốn ngắn hạn thì nhất định lãi suất chỉ ở mức 9%/năm.
- Xin cảm ơn Thống đốc!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.