Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gửi thông điệp lịch sử tới mai sau

Thu Hiền| 11/02/2010 06:37

(HNM) - Hôm nay (11-2), lần đầu tiên cuộc triển lãm cổ vật lớn với chủ đề


"Hiện thân" của lịch sử, văn hóa

Những cổ vật có giá trị với các chất liệu đồng, gốm, sứ, đồ gỗ
sẽ được ra mắt công chúng trong ngày 11-2.


"Không giống những cuộc triển lãm cổ vật khác, "đồng thau" có thể lẫn lộn, triển lãm "Cổ ngoạn Thăng Long - Hà Nội" toàn "vàng ròng" bởi 100% hiện vật trưng bày đã qua sự thẩm định, đánh giá và chọn lọc của các chuyên gia", ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội khẳng định. Triển lãm này giới thiệu tới công chúng gần 100 hiện vật bằng nhiều chất liệu như gỗ, đồng, gốm sứ, đất nung của Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, thấm đượm dấu ấn người Hà Nội xưa. Đó là tháp đất nung "độc nhất vô nhị" còn tương đối nguyên vẹn (tìm thấy ở Ninh Bình cách đây gần 20 năm) của hội viên Nguyễn Gia Thọ. Theo ông Nguyễn Bằng Giang, giảng viên Khoa Bảo tồn - Bảo tàng, Đại học Văn hóa Hà Nội thì tháp đất nung này thuộc phái Thiền Trúc Lâm của người Việt, có hoa văn đặc trưng thời Lý - Trần (thế kỷ XIII-XIV) như hình cánh sen đắp nổi ở phần đế, hàng cúc mãn khai 4 cánh - biểu tượng của mặt trời ở phần góc thể hiện quan niệm của người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng luôn hướng về phía ánh sáng, về những điều thiện, điều tốt đẹp. Phần mái tháp ít nhiều có ảnh hưởng của kiến trúc tháp Trung Hoa thế kỷ XI là minh chứng cho sự gặp gỡ, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa. Đó còn là bộ sưu tập đồ đồng thời Đông Sơn có niên đại 2.000-2.500 năm của nhà sưu tập Nguyễn Quốc Bình, gồm bao tay của các chiến binh, đèn dầu lạc hình con cóc, nghê hóa long, hà mã, hươu... Theo cách nói của tác giả thì phải "thoát tục" mới có thể "cảm" được giá trị của những hiện vật trên một cách đầy đủ, đa chiều bởi những cổ vật này là đồ dùng trong sinh hoạt thường nhật thời phong kiến ít nhiều đã bị hoen rỉ chứ không tráng lệ, mỹ miều như đồ gốm, sứ, nhưng có thể giúp ta hiểu hơn về lịch sử, văn hóa và người xưa.

Nghề chơi công phu

Ông Nguyễn Bằng Giang cho biết, có nhiều tiêu chí để xét định giá trị cổ vật. Đầu tiên là hình thức, cổ vật có hình thức đẹp phải có dáng độc, lạ, men tốt và nguyên vẹn. Thứ hai là loại đồ, gồm đồ ngự dụng (vua dùng), quan dùng và đồ "phố" (dân dùng), trong đó, đồ ngự là quý nhất. Tiêu chí thứ ba chính là hiệu đề, còn gọi là lạc khoản (tức hiệu lò của món đồ, chẳng hạn như "Trân ngoạn", "Trân ngọc"… hay niên hiệu như "Đại Thanh", "Càn Long niên chế")… Tùy người chơi mà 1 trong 3 tiêu chí này được đề cao khác nhau. Ngoài ra, họa pháp (hình vẽ, câu thơ được vẽ trên món đồ) cũng là một tiêu chí khá quan trọng khi đánh giá. Bởi thế, ông Giang cho rằng người đam mê cổ vật thực sự thường là những người tinh tế, bài bản, am hiểu lịch sử, văn hóa và họ chính là những người bỏ tiền túi để giữ gìn di sản văn hóa quý báu cho hôm nay và mai sau. Do đó, xét ở mọi khía cạnh thì việc sưu tầm cổ vật chân chính cần được khuyến khích phát triển, song thực tế còn không ít vướng mắc khiến tình trạng thật giả lẫn lộn và "chảy máu" cổ vật vẫn còn.

Chủ nhân của tháp đất nung, Nguyễn Gia Thọ cũng cho biết, chiếc tháp đất nung đó được tìm thấy tại Ninh Bình và giá tại thời điểm ông mua (năm 1996) tương đương với giá căn hộ chung cư cao cấp, còn mua thế nào, từ ai, ông vẫn "có những điều không tiện nói ra", mặc dù sau cuộc triển lãm này ông sẽ hiến tặng "đứa con tinh thần" đó cho Bảo tàng Hà Nội. Tương tự, trong một cuộc họp báo giới thiệu về Triển lãm "Những kỷ vật kháng chiến - sống mãi với thời gian" tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới đây, tỉ phú "đồ cổ" Dương Phú Hiến né tránh câu hỏi những cây kiếm vàng có nguồn gốc từ Nhật được trưng bày tại triển lãm sang Việt Nam và đến tay ông bằng cách nào của báo chí... Như thế có thể thấy rằng chơi cổ vật vẫn là một thú chơi, một nghề chơi nhiều "bí ẩn".

Dưới góc độ quản lý, một cán bộ có trách nhiệm về lĩnh vực này của Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích việc sưu tầm, phát huy giá trị cổ vật như hỗ trợ công tác bảo quản, giám định, tư vấn tìm kiếm và cấp phép... nhưng vẫn chưa bắt kịp yêu cầu thực tế. Rõ nhất là thiếu hội đồng giám định chuyên môn, chưa có cơ sở đào tạo... Ông Đào Phan Long nêu khó khăn nhất hiện nay là chưa có "sân chơi" công khai cho cổ vật (như sàn đấu giá chẳng hạn). Ông lý giải: Một mặt là do chiến tranh, do sự hiểu biết về giá trị đồ cổ của đa số người dân Việt Nam còn hạn chế, cộng thêm sự khó khăn về kinh tế khiến cổ vật của Việt Nam bị "chảy máu" ra nước ngoài. Mặt khác, do thủ tục "xuất, nhập khẩu" cổ vật còn có nhiều điều chưa phù hợp nên không phải lúc nào "lý lịch" của cổ vật cũng được công bố công khai. Hơn thế, Hội đồng giám định cổ vật của Bộ VH,TT&DL lâu nay mới chỉ xem xét giám định những cổ vật thuộc loại "bảo vật quốc gia" chứ chưa giám định được cổ vật lưu giữ trong dân. Do đó, theo ông cùng với thiết lập cơ chế quản lý thích hợp; xử lý nghiêm việc buôn bán đồ giả cổ, thì việc lập hội đồng tư vấn và giám định cổ vật tự nguyện là hết sức cần thiết. Ông cho hay, Hội Cổ vật Thăng Long đã phối hợp với các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành lập hội đồng tư vấn và giám định cổ vật, giúp hàng trăm cổ vật của các thành viên trong hội có "giấy thông hành" và hạn chế được tình trạng "áo gấm đi đêm" trong "thị trường" đồ cổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gửi thông điệp lịch sử tới mai sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.