(HNM) - Một trong những giải pháp quan trọng, cấp thiết được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tích cực triển khai thời gian qua nhằm kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Còn chưa đầy 3 tháng nữa là năm 2021 khép lại, nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn cả nước mới đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt là ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ quan là do công tác tổ chức thực hiện, sự lãnh đạo, chỉ đạo ở các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt và sâu sát. Đáng nói, vai trò của người đứng đầu một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa được phát huy đầy đủ trong quá trình triển khai dự án; những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng chậm được giải quyết; quy trình, thủ tục thanh, quyết toán vốn đầu tư công còn nhiều bất cập, chưa được tháo gỡ kịp thời... Ngoài ra, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, việc vận chuyển nguyên vật liệu và huy động nhân lực khó khăn..., khiến nhiều dự án phải tạm dừng thi công hoặc thi công cầm chừng.
Trước hàng loạt khó khăn, bất cập trên, để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 như kế hoạch đề ra, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần thực hiện nghiêm Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 5-10-2021, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Theo đó, trước mắt, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới gắn với triển khai dự án, giải ngân vốn đầu tư công; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong từng dự án. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông nguyên vật liệu xây dựng, không để ách tắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Để khắc phục những bất cập liên quan đến thủ tục đầu tư, nhất là những nơi có tiến độ giải ngân đạt thấp, cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến thủ tục về đầu tư công, về xây dựng, đất đai... để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Cùng với đó, các ngành hữu quan cần rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, không để tồn đọng hồ sơ, xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan đến thanh, quyết toán, rút vốn...
Về phía các địa phương, bên cạnh tiếp tục rà soát kỹ khâu chuẩn bị dự án, công tác thiết kế, đấu thầu, thủ tục thanh, quyết toán đối với từng dự án, cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án và giải ngân vốn, những “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng, vướng mắc phát sinh nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, tin rằng tiến độ và chất lượng giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn cả nước sẽ được cải thiện, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 dự báo còn gây ảnh hưởng lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.