2/3 chặng đường thực hiện Đề án 30, tiết kiệm được 1,4 tỷ USD (HNM) - Hôm qua 25-11, Báo cáo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD về chương trình đơn giản hóa thủ tục hành chính Việt Nam (Đề án 30) đã được công bố.
Với cách tiếp cận độc lập, khách quan, các chuyên gia của OECD đã cho thấy hình ảnh "hai chiều" của Đề án 30. Đánh giá này cũng là cơ sở cần thiết để Việt Nam hướng đến những mục tiêu cao hơn cho nền hành chính đang còn nhiều mặt hạn chế.
Tiết kiệm 1,4 tỷ USD
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Ảnh: Linh Tâm
OECD cho rằng, theo tiêu chuẩn quốc tế, mục tiêu cắt giảm 30% thủ tục hành chính (TTHC) như Đề án 30 đặt ra là rất tham vọng, vì thông thường mục tiêu cắt giảm là 25%. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tổng thể từ quá trình chuẩn bị đến khi thực hiện, các chuyên gia OECD đã có những đánh giá tốt đẹp về đề án. "Với những tiến bộ đạt được, Đề án 30 đã nâng cao kỳ vọng của các bên liên quan, trong đó có các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước." - Báo cáo của OECD viết.
Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 30/QĐ-TTg ngày 10-1-2007. Mục tiêu của Đề án 30 là đơn giản hóa ít nhất 30% TTHC và giảm ít nhất 30% chi phí TTHC, thiết lập cơ sở dữ liệu tập trung về quy định TTHC đầu tiên tại Việt Nam, thúc đẩy đầu tư và tăng năng suất toàn nền kinh tế thông qua giảm chi phí và rủi ro về TTHC cho doanh nghiệp, cải thiện vị thế cạnh tranh của đất nước… Các chuyên gia OECD nhận định, những mục tiêu này đã được thực hiện với kết quả rất tích cực, góp phần giảm nhẹ "gánh nặng hành chính" đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, xây dựng một môi trường hành chính ngày càng lành mạnh hơn. Trong đó, việc thiết lập thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC với 5.700 thủ tục, hơn 9.000 văn bản pháp luật quy định về thủ tục và hơn 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC được OECD đánh giá là "một thành tựu lớn".
Theo OECD, chi phí cho hàng loạt TTHC mới tại các nước đang phát triển là khổng lồ, ước tính chiếm từ 3% đến 7% GDP. Việt Nam có thể tiết kiệm được từ 820 triệu đến 1,9 tỷ USD nếu giảm được 40% chi phí hành chính. Dẫn báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội, OECD đồng tình với kết quả tiết kiệm được 26.000 tỷ đồng (tương đương với 1,4 tỷ USD) mà việc thực hiện Đề án 30 có thể mang lại.
Giai đoạn nước rút và chiến lược tương lai
Đề án 30 đã đi được 2/3 chặng đường. Giai đoạn 3 nước rút đang thực hiện là quan trọng nhất vì đây là giai đoạn chỉnh sửa, "cắt xén" các thủ tục rườm rà, chưa hợp lý. Có mặt tại cuộc họp báo công bố đánh giá của OECD, ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng về đơn giản hóa TTHC, cho biết: Chúng tôi đã trình Chính phủ kế hoạch giải quyết 4.818 TTHC, trong đó có 480 thủ tục sẽ bị bãi bỏ, 192 thủ tục bị thay thế và 4.146 thủ tục được sửa đổi. Việc bãi bỏ, thay thế, chỉnh sửa số TTHC này liên quan đến 1.016 văn bản gồm: 42 luật, 12 pháp lệnh, 183 nghị định, 379 quyết định của Thủ tướng, 313 quyết định của các bộ và các văn bản khác. Mục tiêu là trong quý IV-2010 và nửa đầu năm 2011 phải sửa xong các văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành TƯ. Ông Ngô Hải Phan cũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ lần lượt ra các nghị quyết cụ thể yêu cầu các cơ quan liên quan đơn giản hóa tất cả số TTHC nói trên.
Nhận định về kết quả thực hiện đơn giản hóa TTHC thời gian qua, ông Ngô Hải Phan thẳng thắn cho biết: "Quyết tâm của Chính phủ rất mạnh, nhưng thực thi chưa được nhanh và mạnh như mong muốn, vì còn những lực cản ở các bộ, ngành và các đơn vị liên quan. Chúng ta cần nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa. Trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc của các cơ quan lập pháp, hành pháp, đặc biệt là sự giám sát của người dân". Theo ông, cho dù có Cục Kiểm soát TTHC cùng 87 cơ quan cấp dưới đặt tại các bộ, ngành, địa phương hay có đến 1 triệu thanh tra công vụ đi nữa cũng không bằng sự tham gia tích cực của 85 triệu người dân vào nhiệm vụ kiểm soát TTHC.
Những quan điểm trên đây cho thấy, tương lai cải cách hành chính của Việt Nam sẽ ngày càng được đẩy mạnh. Điều này phù hợp với những khuyến nghị của các chuyên gia OECD đối với Việt Nam về các bước cải cách tiếp theo trong tương lai như tiếp tục cắt giảm TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường đối thoại với người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ cho cơ quan kiểm soát TTHC có đủ năng lực hoạt động… Kết quả thực hiện Đề án 30 trong 2 giai đoạn đầu cho thấy, những nhận xét của OECD là xác đáng và những khuyến nghị độc lập của các chuyên gia tổ chức này sẽ được tiếp thu nghiêm túc. Đó có lẽ cũng là lý do để ông Mario Amano, Phó Tổng Thư ký OECD bày tỏ tin tưởng về tương lai thành công trong cải cách của Việt Nam, khi khẳng định rằng: "Đề án 30 phải là nền tảng để hướng tới chiến lược cải cách thể chế tổng thể. Nó đã thỏa mãn ngày càng cao hơn sự kỳ vọng của người dân, của các doanh nghiệp về môi trường hành chính Việt Nam".
OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm: Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Hiện nay, số thành viên của OECD là 30 quốc gia. Mục tiêu ban đầu của OECD là xây dựng các nền kinh tế mạnh ở các nước thành viên, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường, mở rộng thương mại tự do và góp phần phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp. |
ASEAN và OECD hợp tác cải cách quy định hành chính |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.