Hạ viện Đức vừa thông qua một đạo luật gây tranh cãi buộc các công cụ tìm kiếm và hãng thu thập tin tức trả tiền bản quyền cho các đoạn thông tin hiển thị trong kết quả.
Ngày 1/3, Hạ viện Đức đã thông qua luật Leistungsschutzrecht für Presseverleger (LSR), hay còn gọi là "luật bản quyền lệ thuộc với các hãng cung cấp thông tin". Tuy nhiên, đảng đối lập SPD lại tuyên bố sẽ làm mọi cách để việc này không được Thượng viện Đức thông qua.
Ảnh minh họa |
Luật LSR sẽ không áp dụng với những từ ngữ đơn lẻ hay "mẩu thông tin ngắn". Tuy nhiên, nó lại không ghi rõ những đoạn ký tự phải ngắn cỡ nào mới được miễn thuế.
Dĩ nhiên, Google đã cực lực phải đối luật trên. Người phát ngôn của hãng tại Đức, Ralf Bremer, cho biết: "Việc này sẽ đe dọa đến sự sáng tạo, đột phá, đặc biệt là với những người muốn khởi nghiệp. Nó cũng chẳng cần thiết khi mà các công ty Internet và đơn vị cung cấp thông tin có thể cùng nhau phát triển, như Google vẫn thường làm tại những quốc gia khác".
Hiệp hội các nhà xuất bản Đức (BDVZ) cho biết, việc thông qua luật này "sẽ cho phép đơn vị cung cấp đặt điều kiện nội dung nào của họ có thể được các công cụ tìm kiếm và thu thập thông tin sử dụng với mục đích thương mại". Nói cách khác, họ sẽ có quyền lực lớn hơn trong các cuộc đàm phán hậu trường với Google, so với công ty ở các nước khác, do đã có điều luật để viện dẫn.
Thuế Google đã được các nhà xuất bản Đức trình lên Quốc hội nước này cuối tháng 11 năm ngoái. Tương tự các quốc gia châu Âu khác, ngành xuất bản Đức vẫn đang vật lộn với vấn đề tài chính khi người dùng ngày càng chuyển sang đọc trực tuyến. Tại đây, số lượng quảng cáo thường ít hơn rất nhiều.
Google cũng chưa từng công khai hãng này kiếm được bao nhiêu từ Google News. Tuy nhiên, năm 2008, Phó giám đốc bộ phận Tìm kiếm sản phẩm của Google - Marissa Mayer (hiện là CEO Yahoo) từng ước tính doanh thu hàng năm vào khoảng 100 triệu USD. Con số đó có lẽ đã tăng lên rất nhiều trong những năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.