(HNM) - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc giải ngân khoảng 11,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong năm nay là mục tiêu không dễ. Tuy nhiên nhìn vào kết quả giải ngân trong quý I năm nay có thể khẳng định mục tiêu này không quá xa vời.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Everpia Việt Nam 100% vốn Hàn Quốc. Ảnh: Bảo Lâm
Quý I-2011, cả nước đã thu hút thêm 2,37 tỷ USD vốn ĐTNN mới đăng ký, gồm cả vốn cấp mới và vốn tăng của một số dự án, bằng 67% cùng kỳ năm 2010. Kết quả này được xem là mức độ vừa phải trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư truyền thống của Việt Nam chưa thoát hẳn khó khăn, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… Tuy nhiên, vấn đề có ý nghĩa hơn là kết quả giải ngân. Mức vốn ĐTNN đang giải ngân theo một biểu đồ "đi lên". Cụ thể, tháng 1 giải ngân 420 triệu USD và đã tăng lên 730 triệu USD trong tháng 2; tháng 3 là 1,39 tỷ USD. Tính chung quý I đã giải ngân 2,54 tỷ USD, vượt số vốn đăng ký. Lượng vốn giải ngân này bằng hơn 22% so với mục tiêu cả năm là 11,5 tỷ USD (vì theo thông lệ, quý I thường giải ngân thấp so với các quý còn lại trong năm). Đây là dấu hiệu đáng khích lệ, cho thấy niềm tin của giới ĐTNN đang được củng cố. Quan trọng hơn là giải ngân vốn ĐTNN thường là kết quả của một quá trình cảm nhận cơ hội kinh doanh phía trước, biểu thị niềm tin và sự sẵn sàng thực hiện cam kết trong quá trình triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh của giới đầu tư nước ngoài.
Trong hơn 20 năm qua, các dự án ĐTNN đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất, xuất khẩu, góp phần quan trọng vào mục tiêu hạn chế nhập siêu của nền kinh tế. Đến nay, ngày càng có nhiều dự án tập trung vào các ngành sản xuất thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo và trở thành lực đẩy hữu ích cho sự tăng trưởng theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho sự cải thiện sức cạnh tranh của chính khu vực có vốn ĐTNN cũng như của cả nền kinh tế. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, quý I có 76 dự án mới cấp phép trong lĩnh vực chế biến, chế tạo với tổng vốn đăng ký trên 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, còn có 200 triệu USD của 30 dự án thuộc các ngành sản xuất công nghiệp đề nghị tăng vốn, nâng tổng vốn đăng ký và cấp mới trong lĩnh vực nói trên lên hơn 1,55 tỷ USD, chiếm 65,4% tổng vốn ĐTNN mới vào Việt Nam. Cũng trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp ĐTNN đạt kim ngạch xuất khẩu gần 10,5 tỷ USD và xuất siêu gần 1 tỷ USD. Một dự án điển hình là Nhà máy Sản xuất pin năng lượng mặt trời First Solar của Hoa Kỳ có tổng vốn đăng ký 300 triệu USD vừa được khởi công tại Khu công nghiệp Đông Nam (Củ Chi - TP Hồ Chí Minh) gồm 4 dây chuyền sản xuất, công suất 238 MW/năm, dự định hoàn thành vào tháng 9-2012. Nhà đầu tư này khẳng định sẽ giải ngân nhanh, là một minh chứng thể hiện quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của các nhà ĐTNN.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam nên lựa chọn dự án ĐTNN, chủ động hơn trong việc "gọi" vốn vào các ngành sản xuất công nghệ cao, tốn ít nhiên liệu và năng lượng, không tiêu hao nhiều tài nguyên. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xúc tiến đầu tư năm nay do ngành kế hoạch và đầu tư chỉ đạo các đơn vị liên quan "gọi" nguồn vốn cho phát triển công nghiệp phụ trợ. Hy vọng việc đón nhận nguồn vốn ĐTNN vào lĩnh vực này sẽ khả quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.