Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gợi nhấn những sắc màu quê hương

An Nhi| 22/08/2012 06:29

(HNM) - Từ 8 trại sáng tác và các chuyến đi thực tế đến với quân dân vùng biên giới và hải đảo khắp dọc dài đất nước đã đưa về những sáng tác mỹ thuật còn thơm mới mùi bột màu, vết khắc... trưng bày tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (Hà Nội).


Khách tham quan triển lãm

Khi tổ chức những trại sáng tác và đi thực tế tới các vùng biên giới biển đảo ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Hải Phòng... Hội Mỹ thuật Hà Nội mong muốn hội viên chia sẻ những gian nan của người chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo, khơi lên cảm hứng sáng tạo còn ẩn sâu trong họ. Bất ngờ từ những lần "lặn lội" thực tế ấy, rất nhiều những đột phá sáng tác ra đời, mà theo đánh giá của các nhà phê bình mỹ thuật, hiếm khi nào "bội thu" đến thế.

Triển lãm là một câu chuyện đa sắc về cuộc sống, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc của quân dân nơi biên cương. Trong đó, nổi bật nhất là tranh, có họa sĩ sử dụng lụa, mực nho... nhưng phần nhiều chọn acrylic, sơn dầu, sơn mài để thể hiện. Phần được phản ánh nhiều là những chuyến tuần tra, canh gác của lính biên phòng và hải quân. Tuy thế, mỗi bức như "Nhà DK1 trên đảo Trường Sa của Việt Nam" (sơn dầu - Nguyễn Viết Nhàn); "Vì sự bình yên biển đảo" (acrylic - Phạm Đắc Hiển); "Ánh mắt lính đảo xa" (acrylic - Nguyễn Hà Bắc); "Tuần tra biển đảo" (lụa - Trần Lăng); "Bình minh trên đảo Trường Sa" (acrylic - Nguyễn Doãn Sơn)... lại có màu sắc và góc nhìn khác nhau. Những bức tranh giàu chuyển động gây được nhiều cảm xúc cho người xem là "Tổ quốc trên vùng đảo nhỏ" (acrylic); "Lính cứu hộ" (sơn dầu - Hoàng Kim Tiến) khắc họa hành động quả cảm của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trong sóng gió, bão táp. Những công việc thuyền chài cũng tạo cảm hứng không nhỏ cho các nghệ sĩ, có những hình tượng thật gợi và giàu sức sống trong "Chờ cá về" (sơn mài - Nguyễn Đình Bảng); "Bến cá" (khắc gỗ - Đặng Hướng); "Được mùa cá biển" (sơn dầu - Nguyễn Thế Tuấn). Bên cạnh đó, vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi biên đảo được khắc họa rõ trong "Vùng cao biên giới Hà Giang" (acrylic - Tống Công Thành); "Tổ thêu" (sơn mài - Lê Thị Dậu)... Đặc biệt nhất, bức tranh có hình ảnh Bác Hồ được trưng bày giữa không gian nhà triển lãm "Bác vẫn cùng chúng cháu tuần tra" (sơn dầu - Lê Phi) đã không lặp lại ý tưởng cũ. Hình ảnh Bác dõi theo những bước tuần tra biên giới của chiến sĩ phối màu hiện đại, nét vẽ thoáng và có hồn.

Đề tài được các nghệ sĩ điêu khắc nhiều nhất là tư thế vững vàng và kiên cường của người chiến sĩ, trong đó "Viếng bạn" (composite - Phạm Thanh Long) là tác phẩm được đánh giá cao vì sự cân đối tuyệt vời trong các khối hình, đường khắc.

Nhà phê bình mỹ thuật Bằng Lâm cho rằng, các tác phẩm trưng bày ở đây vừa khéo léo tải được ý nghĩa chính trị vừa thành công bằng những đổi mới trong nghệ thuật. Họa sĩ Nguyễn Văn Nghị, người được coi là đi đầu trong sự đổi mới này thổ lộ, mỗi bức tranh giúp anh thêm một lần khám phá bản thân và thể nghiệm bút pháp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gợi nhấn những sắc màu quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.