(HNM) - Triển lãm ảnh
Ảnh: VNE |
Thực ra, các tác giả Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Mai Nam và Hứa Kiểm - những nhân vật trung tâm trong triển lãm này - là người nổi tiếng từ lâu. Ảnh chiến trường của họ được giới thiệu rộng rãi, mỗi người đều đã có triển lãm riêng, có những cuốn sách ảnh được chú ý rộng rãi. Tuy thế, ở đây, qua sự chọn lựa rõ ý đồ của Patrick Chauvel, câu chuyện chiến tranh Việt Nam được diễn tả bằng hình ảnh vừa quen, vừa lạ.
Patrick Chauvel là một phóng viên kỳ cựu với hơn 40 năm kinh nghiệm, từng tác nghiệp tại 20 chiến trường khốc liệt nhất thế giới; trong đó, Việt Nam là điểm khởi đầu cho con đường trở thành phóng viên chiến trường của ông. Bởi vậy, Patrick có ấn tượng đặc biệt, dành sự quan tâm lớn đối với đất nước, con người Việt Nam. Sau khi tham gia phản ánh chiến tranh ở Việt Nam trong khoảng thời gian 1968-1972, Patrick từng có triển lãm cá nhân về cuộc chiến này vào năm 2002; năm 2013, ông chọn Việt Nam là nơi giới thiệu bộ phim tài liệu của mình - có tên "Phóng viên chiến trường". Cũng trong sự kiện này, ông tình cờ gặp một vài phóng viên, nhà quay phim của Việt Nam từng tham gia phản ánh về cuộc chiến. Ông lặng lẽ tìm hiểu, tới tận nhà của những phóng viên ảnh như Vũ Ba, Chu Chí Thành, Mai Nam, Đoàn Công Tính, Hứa Kiểm, Ngọc Đản, Minh Trường… Sau khi được xem, xin mua các bức ảnh của họ, Patrick bắt đầu một dự án mà ông nung nấu từ lâu: Tìm hiểu xem những phóng viên ảnh của Việt Nam - những người "ở phía bên kia" - là những ai, họ đã tác nghiệp như thế nào...
Điều gì ở tác phẩm của phóng viên chiến trường người Việt Nam khiến Patrick ngưỡng mộ? Rất đơn giản, như tác giả Đoàn Công Tính nói: "Ảnh chúng tôi có sự khác biệt, gây ngạc nhiên và hứng thú cho đồng nghiệp quốc tế bởi cùng một sự kiện nhưng góc máy, góc nhìn của chúng tôi luôn "bắt" được sự tươi tắn, quật cường của người Việt Nam sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi hướng đến sự cổ vũ, động viên tinh thần chứ không đào sâu sự quyết liệt, thảm khốc, đau thương như các phóng viên quốc tế".
Với công chúng, triển lãm này là cơ hội để hiểu thêm về quá khứ đau thương mà hào hùng, tìm hiểu về tác giả - tác phẩm đã đi vào lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Đó là bộ ảnh quân đội ta chiến đấu ở Đường 9 - Nam Lào của ông "Vua chiến trường" Đoàn Công Tính, người đã phải chạy bộ mấy chục cây số từ trong chiến trường Quảng Trị ra để "ở nhà" kịp có ảnh đăng báo. Đó là bộ ảnh bắn rơi máy bay Mỹ của Chu Chí Thành; những bức "Trực chiến", "Nữ dân quân" của tác giả Mai Nam; những bức ảnh chiến sĩ lái xe tăng Việt Nam hùng dũng trong ngày 30-4-1975 của Hứa Kiểm. Những tấm ảnh quý giá được Patrick sắp xếp theo mảng với trình tự thời gian diễn ra các sự kiện, nên người xem dễ dàng nắm bắt được bối cảnh. "Ngày đó, phương tiện tác nghiệp của chúng tôi rất nghèo nàn, chỉ là những chiếc máy ảnh cũ rích của Đức hoặc Nga. Nhiều khi chúng tôi phải tự chế dụng cụ tráng ảnh ngay tại chiến trường. Phóng viên khi ấy vừa chiến đấu như anh em chiến sĩ, lại vừa cầm máy, chọn góc chụp, chớp thời điểm", tác giả Chu Chí Thành cho biết.
Theo Patrick, ông chọn các tác giả này cũng là đại diện khá tiêu biểu, nhưng nếu có điều kiện, ông sẽ giới thiệu tất cả phóng viên ảnh chiến trường của Việt Nam mà ông đã và sẽ gặp. Triển lãm này đã từng tham gia liên hoan ảnh báo chí lớn nhất thế giới tại Perpignan (Pháp) vào tháng 9-2014, được đưa vào sách ảnh và được công bố rộng rãi ở nhiều nước. Bằng cách đó, Patrick muốn tôn vinh những đóng góp của phóng viên ảnh Việt Nam trước công chúng trong và ngoài nước, đồng thời chia sẻ câu chuyện tác nghiệp ở chiến trường, những bài học, kinh nghiệm, góp thêm tiếng nói vì hòa bình, phản đối chiến tranh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.