Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góc khuất của… nghề DJ

Theo Xuân Phương/Thanh Niên| 29/08/2016 12:09

Cuộc sống của những DJ (Disc Jockey, tạm dịch: người chỉnh nhạc) cũng lắm nỗi niềm và thăng trầm, trái ngược hoàn toàn với những ánh đèn sân khấu rực rỡ, những bản nhạc vui tươi do chính họ mang lại.


Những người trẻ theo đuổi nghề DJ còn gặp nhiều định kiến


“Lãng tai tạm thời”

22 giờ 30, vừa hoàn thành xong ca làm của mình sau hai giờ đồng hồ lắc lư chỉnh nhạc, tạo nên những âm thanh sôi động cho khách thưởng thức, DJ Tuấn Anh (22 tuổi, đang làm ở một quán cà phê trên đường D2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mới có thời gian trò chuyện. Không ít lần Tuấn Anh đã phải hỏi lại với lý do: “Mong anh thông cảm, tai em cứ lùng bùng chẳng nghe gì cả”.

“Anh thấy đó, đặc thù của công việc này là sống chung với những tiếng nhạc to hết cỡ, những âm thanh chát chúa. Nên cứ mỗi lần làm xong, em nghe chẳng rõ. Tình trạng này kéo dài cả vài tiếng đồng hồ mới bình thường trở lại”, Tuấn Anh nói.

Cũng theo Tuấn Anh, không những đối diện với những tiếng nhạc inh ỏi hằng đêm, mà hằng ngày còn phải tự luyện tập, pha trộn âm thanh để tạo ra những bản nhạc mới. Hầu hết những ai làm DJ đều phải chấp nhận “bệnh lãng tai tạm thời”. “Còn sau này có bị vấn đề gì về tai không thì chưa biết”, Tuấn Anh tâm sự.



DJ Vũ Luân (24 tuổi, Q.Tân Phú), trải lòng: “Nhiều người cứ nghĩ làm DJ sướng lắm, được ăn vận bảnh bao, được làm việc trong những ánh đèn lung linh, những nơi sang trọng, hay làm chỉ vài giờ đồng hồ nhưng được nhiều tiền… Thực tế chẳng phải vậy, chỉ có những ai là người trong cuộc, đã và đang theo đuổi nghề này thì mới thấu hiểu được những gian truân, nỗi niềm khi làm nghề”.

Chỉ tay vào chỗ đứng để chỉnh nhạc với ngổn ngang dây điện chằng chịt, Vũ Luân cho biết chuyện bị tai nạn nghề nghiệp là điện giật diễn ra thường xuyên. “Không phải bản thân chủ quan, mà đôi khi máy móc bị hỏng hóc, dây điện bị bong tróc, để rồi khi đang “phiêu”, vô tình chạm phải rất nguy hiểm, nhiều lần bị điện giật, nghĩ đến mà rùng mình”, Vũ Luân nhớ lại.

DJ Huỳnh Long (20 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), than: “Nghề này cay đắng lắm, những người nghịch đĩa, chỉnh nhạc như tôi đã phải ngậm đắng nuốt cay để vượt qua nhiều điều nghiệt ngã”.

Long giải thích: “Dẫu là nghề chân chính như bao nghề khác, thế nhưng định kiến về công việc này còn rất nhiều. Nhiều người chẳng hiểu tường tận về DJ, cứ phán xét những ai làm DJ là không đàng hoàng, là nghề của những đứa đua đòi, ăn chơi. Nghe mà buồn vô cùng, xót xa cho cái công việc đang theo đuổi”.

Đôi mắt như chực trào muốn khóc, Huỳnh Long tâm sự chuyện bị chủ nhà trọ yêu cầu phải dọn phòng khi biết anh làm DJ, phải đi làm hằng đêm, trở về phòng sau 1, 2 giờ sáng.

Nhiều buồn tủi


Với những người nam, nghề này đã khiến họ mang rất nhiều buồn tủi, thì sự thiệt thòi với những nữ DJ càng gấp bội phần.

DJ Ái Nhi (22 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết để theo đuổi nghề DJ, suốt hai năm qua Nhi đã trải qua vô số chuyện buồn. Nếu như những ngày đầu tiên quyết định học nghề đã vấp phải sự phản đối của bố mẹ, của cả người yêu vì bị cho rằng “cái nghề này không đứng đắn”, “dành cho những ai có lối sống buông thả”, thì sau đó tiếp tục phải đối diện với những nỗi khổ.



Theo Ái Nhi, vì môi trường làm việc là quán cà phê, là bar luôn đóng kín cửa, ngoài những âm thanh chát chúa khiến ù cả tai, thì còn phải hoa mắt khi đối diện với những mùi thuốc lá nồng nặc hằng đêm, đôi khi muốn ngạt thở. Biết bao lần cô gái này sau khi tan ca làm về nhà đã bị bố mẹ mắng “con gái hư” khi khắp cả thân người đều hôi mùi thuốc.

Ái Nhi buồn bã kể: “Nhiều đứa bạn cùng làm với em cũng khốn đốn vì những chuyện đó. Nhưng buồn nhất là luôn gặp trục trặc trong chuyện tình cảm, chẳng ai chấp nhận, tin tưởng để yêu một người con gái đi làm hằng đêm trong bar, quán cà phê, beer club và tiếp xúc với đủ hạng người cả”.

Cũng theo chia sẻ của những người trẻ đã và đang làm DJ, thì công việc này còn phải đối diện với những cạm bẫy, cám dỗ. Có những nơi yêu cầu DJ ngoài việc đứng chỉnh nhạc còn phải giao lưu với khách. “Nếu như từ chối thì bị chủ quán cho là không chiều khách dẫn đến mất khách và sẽ đuổi, khi đó phải mất công chạy đôn chạy đáo tìm nơi làm việc mới. Còn nếu đồng ý thì có nguy cơ gặp nhiều rủi ro”, Ái Nhi nói thêm.

DJ Tâm Max (26 tuổi, Q.Tân Phú), cho biết việc DJ giao lưu với khách cũng là một cơ hội giúp kiếm thêm một khoản tiền “bo” không nhỏ. Thế nhưng đôi khi DJ bị khách chuốc rượu, phải “hầu” rượu khá nhiều. Có nhiều trường hợp bị bỏ thuốc kích thích, thậm chí là ma túy vào rượu. Và đã có những DJ phải nhập viện cấp cứu và chết vì sốc thuốc...

“Làm công việc DJ rất khổ, vì suốt ngày phải lắng nghe những lời xì xầm không đúng, những phán xét không hay. (Nữ DJ Oanh Lee)

“Mong sao mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về DJ. Đây là công việc chỉnh nhạc, đừng nên kỳ thị nó. Đừng vì thấy cách ăn mặc gợi cảm của những DJ mà vội vàng đánh giá là “những đứa không ra gì”. (DJ Ly Trinh)

“Đôi lần trở về nhà sau khi tan ca làm, cầm hai, ba trăm ngàn tiền công, rồi tự nhiên chảy nước mắt khóc vì không hiểu tại sao mình làm nghề chân chính để mưu sinh mà lại phải đón nhận những ánh nhìn chê khinh của mọi người”. (DJ Hương Quỳnh)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góc khuất của… nghề DJ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.