Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ vướng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất: Phải đột phá hơn nữa...

Thúy Hằng| 01/06/2023 06:35

(HNM) - Mặc dù hoạt động đã hơn chục năm, nhưng đến nay các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất vẫn tồn tại nhiều vướng mắc khiến công tác quản lý nhà nước cũng vướng theo. Hệ lụy là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng; an ninh trật tự không được bảo đảm và nguy cơ ô nhiễm môi trường, cháy nổ hiện hữu... Đi tìm cách hóa giải những vướng mắc này, các cấp đã tích cực vào cuộc, song cần những giải pháp nhanh, đột phá hơn nữa...

Đường nội bộ Cụm công nghiệp đồ mộc dân dụng Phùng Xá (huyện Thạch Thất) bị chiếm dụng để tập kết nguyên liệu sản xuất.

Ngổn ngang vướng mắc

Thạch Thất là một trong những huyện có số cụm công nghiệp lớn nhất thành phố Hà Nội với 7 cụm, tổng diện tích 90,74ha, tập trung ở các xã có nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển như: Phùng Xá, Bình Phú, Chàng Sơn, Kim Quan, Canh Nậu… Do nhu cầu đất sản xuất ở những địa phương này luôn “nóng” nên các cụm được “sinh ra” khá sớm, giai đoạn 2003-2010.

Vì được hình thành trước khi có Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp, nên các cụm ở Thạch Thất có đặc thù riêng. Đó là việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đều do UBND cấp xã làm chủ đầu tư dựa trên nguồn vốn huy động từ hộ thuê đất và hộ đăng ký thuê đất; việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật chỉ dừng ở mức tối thiểu là san nền, thi công nền đường và hệ thống thoát nước chung; không quy hoạch đầu tư cấp nước phòng cháy, chữa cháy, trạm xử lý nước thải... Đặc biệt, nhiều tuyến đường nội bộ do hộ thuê đất tự bỏ kinh phí thi công, nên việc sử dụng hạ tầng tại nhiều cụm lộn xộn, nhiều diện tích chung bị chiếm dụng...

Bên cạnh đó, nhiều cụm hiện vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thành quy trình giao đất và lấp đầy diện tích sử dụng như Cụm công nghiệp Cơ kim khí ở xã Phùng Xá, Cụm công nghiệp Bình Phú (21,18ha)... Việc bàn giao hồ sơ quản lý, xây dựng từ chủ đầu tư cũ là UBND các xã cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất vẫn chưa xong nên việc quyết toán gặp nhiều khó khăn.

Ông Phí Ngọc Sơn, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất, cho biết nguyên nhân của thực trạng trên là các cụm hình thành khi chưa có đầy đủ văn bản của Nhà nước điều chỉnh hoạt động của loại hình này và khi Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ra đời, cơ quan chức năng lại chưa có hướng dẫn kịp thời về xử lý chuyển tiếp những tồn tại, nên vướng mắc chậm được giải quyết.

Là địa phương có 2 cụm công nghiệp cơ kim khí và đồ mộc dân dụng, nhiều tồn tại ở xã Phùng Xá cũng chưa được giải quyết. Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Phùng Ngọc Nam nêu: Cụm công nghiệp Cơ kim khí Phùng Xá giai đoạn 2 (7,76ha) xây dựng năm 2010 nhưng đến năm 2015 đã phải dừng do vướng hơn 3.000m2 đất chưa giải phóng mặt bằng, chưa huy động được vốn đầu tư và chưa thực hiện quy trình xét duyệt, cho thuê đất, trong khi nhu cầu thuê đất của các hộ gia đình rất lớn, khiến người dân bức xúc...

Một phần diện tích Cụm công nghiệp Bình Phú (huyện Thạch Thất) chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Hóa giải theo trọng tâm, trọng điểm

Là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động, khai thác hạ tầng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất đã dựa trên thực tiễn, văn bản pháp lý về quy chế quản lý cụm công nghiệp qua các thời kỳ để đưa ra giải pháp tháo gỡ theo trọng tâm, trọng điểm.

Theo đó, Ban đề xuất bố trí vốn ngân sách thành phố và huyện để hoàn chỉnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển, quản lý cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, Ban tiếp tục hoàn thành giải phóng mặt bằng và xét duyệt các hộ thuê đất... Để các cụm công nghiệp vận hành hiệu quả, Ban sẽ lựa chọn doanh nghiệp thực hiện hợp đồng xử lý nước thải và cung cấp dịch vụ bảo vệ, vệ sinh, thu gom rác...

“Về lâu dài, sau khi hoàn thành khắc phục tồn tại, chúng tôi sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế huyện tham mưu, báo cáo, xây dựng phương án chuyển đổi chủ đầu tư quản lý cụm công nghiệp từ ban sang mô hình doanh nghiệp quản lý”, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất Vương Văn Chức cho biết.

Huyện Thạch Thất đã đề xuất Sở Công Thương Hà Nội xem xét, báo cáo thành phố phương án chuyển đổi những cụm không đủ điều kiện hạ tầng theo quy định thành mô hình dự án phát triển làng nghề như: Cụm công nghiệp Chàng Sơn, Cụm công nghiệp Đồ mộc dân dụng Phùng Xá... Do hạ tầng kỹ thuật hình thành từ vốn góp của hộ, doanh nghiệp thuê đất nên huyện đề xuất cấp thẩm quyền rà soát, áp dụng quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp với thực tế về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cụm không hình thành từ vốn nhà nước như các cụm trên địa bàn huyện...

“Hiện nay, đề xuất của huyện vẫn đang được các sở, ngành nghiên cứu, xem xét, nhưng cần có thêm thời gian do nhiều vấn đề thuộc về cơ chế cần được tháo gỡ...”, ông Vương Văn Chức nhấn mạnh.

Với thực tế nêu trên, việc hóa giải các tồn tại chính là cách để giải phóng nguồn lực đất đai đang bị kìm hãm, tạo điều kiện cho các cụm công nghiệp phát triển mang tính chuyên nghiệp. Các sở, ngành liên quan và huyện Thạch Thất cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, tìm giải pháp đột phá hơn nữa cho tiến trình này đạt hiệu quả thực chất hơn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất: Phải đột phá hơn nữa...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.