Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ vướng sau giao nhận công trình thủy lợi

Kim Nhuệ| 07/02/2018 07:14

(HNM) - Sau hơn một năm thực hiện chủ trương của thành phố, đến nay các quận, huyện, thị xã đã cơ bản hoàn thành việc bàn giao nguyên trạng công trình cho doanh nghiệp thủy lợi quản lý, vận hành. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp đã xuất hiện một số vướng mắc...


Mặc dù đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, nhưng đến cuối tháng 1, trên địa bàn huyện Mỹ Đức vẫn còn 3 hợp tác xã: Vạn Kim, Phù Lưu Tế, Đại Nghĩa chưa bàn giao công trình thủy lợi. Theo ông Nguyễn Công Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phù Lưu Tế, có 3 lý do khiến đơn vị chưa thể bàn giao công trình thủy lợi cho Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy: Thứ nhất, các công trình hiện nay hợp tác xã quản lý, vận hành đều hình thành từ nguồn vốn đóng góp của xã viên, không thuộc ngân sách nhà nước. Vì vậy, khi chuyển nhượng, thanh lý tài sản, các hợp tác xã phải thực hiện đúng Luật Hợp tác xã. Thứ hai, trước khi bàn giao, các bên liên quan phải xác định chính xác giá trị tài sản còn lại của công trình. Điều này là cần thiết để Hội đồng quản trị minh bạch tài chính với xã viên. Thứ ba, nhiều xã viên có nguyện vọng giữ lại công trình để phục vụ sản xuất nông nghiệp kịp thời và có thêm nguồn thu để hợp tác xã hoạt động…

Thường Tín là một trong những huyện đầu tiên của thành phố đã bàn giao xong công trình thủy lợi cho Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ quản lý, vận hành. Sau khi rà soát chất lượng các công trình, huyện Thường Tín đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi đầu tư sửa chữa, cải tạo 14 công trình tại các xã Vạn Điểm, Quất Động, Lê Lợi, Văn Tự… Các doanh nghiệp cho rằng, để đầu tư, sửa chữa công trình, đơn vị phải lập kế hoạch, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Chương Mỹ là một trong 6 quận, huyện, thị xã có diện tích đủ nước làm đất thấp nhất thành phố sau đợt lấy nước đầu tiên. Theo phản ánh của các hợp tác xã nông nghiệp xã Trường Yên, Đông Sơn, Đông Phương Yên… nguyên nhân là nhiều kênh mương nội đồng đang bị bồi lấp, tắc nghẽn, một số trạm bơm đã hư hỏng nhưng chưa được tu sửa. Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân cho biết, huyện đã bàn giao toàn bộ công trình cho Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy quản lý. Tuy nhiên, hiện nay đơn vị này chưa đủ nhân lực để quản lý, vận hành hệ thống công trình…

Theo phản ánh của các doanh nghiệp thủy lợi, khó khăn lớn nhất sau khi tiếp nhận là số lượng công trình tăng gấp 3 lần so với trước đây; trong khi đó số lượng cán bộ, nhân viên không tăng, có xu hướng buộc phải cắt giảm để bảo đảm thu nhập. Bên cạnh đó, nhiều công trình sau tiếp nhận đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, thiết bị lạc hậu, không có hồ sơ quản lý đầu tư… Đây là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa thể bố trí lực lượng dẫn nước lên đồng ruộng và khó khăn trong xác định giá trị tài sản còn lại tại các công trình do nhân dân đóng góp xây dựng…

Để bảo đảm đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích sản xuất vụ xuân, huyện Mỹ Đức cho biết đã yêu cầu các hợp tác xã phải bàn giao nguyên trạng công trình thủy lợi cho doanh nghiệp ngay trong tháng 1-2018. Huyện sẽ xử lý nghiêm các hợp tác xã cố tình không bàn giao công trình và để thiếu nước sản xuất nông nghiệp vụ xuân…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, đã đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi triển khai phương án chống hạn, bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời, đánh giá hiện trạng, tổ chức sửa chữa công trình… Sở NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan công tác bàn giao, tiếp nhận công trình thủy lợi… Về lâu dài, các doanh nghiệp thủy lợi, các hợp tác xã nông nghiệp cần chủ động, linh hoạt trong việc tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh theo hướng tinh gọn, sử dụng nguồn lực nhà nước tiết kiệm, hiệu quả…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng sau giao nhận công trình thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.