Bất động sản

Gỡ vướng cho các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa

Việt Tuấn 09/06/2024 - 06:32

Hằng năm, từ đề nghị của UBND quận, huyện, thị xã, UBND thành phố Hà Nội trình HĐND thành phố thông qua danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa làm căn cứ để thực hiện các thủ tục về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Đợt giám sát mới đây của Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND thành phố Hà Nội) về công tác này cho thấy, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

ban-kinh-te-ngan-sach-hdnd-thanh-pho-ha-noi-khao-sat-mot-du-an-chuyen-doi-muc-dich-su-dung-dat-lua-tai-huyen-dong-anh.jpg
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội khảo sát một dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa tại huyện Đông Anh.

Khó khăn từ những quy định

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ tiêu đất nông nghiệp đến năm 2025 của thành phố Hà Nội theo phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 là 185.944ha; dự kiến kết quả thực hiện đến ngày 31-12-2023 là 196.300,89ha. Diện tích đất trồng lúa là 93.380ha, dự kiến kết quả thực hiện là 99.556,94ha, cao hơn 6,61% so với chỉ tiêu phân bổ. Điều này cho thấy, tiến độ triển khai các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn.

Hằng năm, trên cơ sở đề nghị của UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn thành phố làm căn cứ để thực hiện các thủ tục về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, để thực hiện các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Từ năm 2021 đến nay, căn cứ Nghị quyết của HĐND thành phố về việc thông qua danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã đã kịp thời triển khai thủ tục thu hồi đất theo quy định.

Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự án đã hoàn thiện hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (đối với các trường hợp có sử dụng đất trồng lúa) theo đúng thành phần, bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sau này là Nghị định số 12/2024/NĐ-CP của Chính phủ).

Dù đã cố gắng, song kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố về nội dung này chưa cao do nhiều nguyên nhân. Đáng chú ý, theo quy định tại Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai năm 2013, đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản như: Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên; từ 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên.

Thời điểm trước ngày 20-5-2023 (thời điểm Nghị định số 10/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), thành phần hồ sơ xin chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư chỉ cần có chủ trương đầu tư còn hiệu lực thực hiện tại thời điểm gửi hồ sơ (đối với hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ thì bổ sung phương án sử dụng tầng đất mặt).

Tuy nhiên, sau ngày 20-5-2023, Chính phủ đã quy định điều kiện, tiêu chí cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư gồm 4 nội dung.

Cụ thể là: Có dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, dự án đầu tư có trong danh mục kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật; có phương án sử dụng tầng đất mặt và văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về trồng trọt đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa sang mục đích khác; có đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có).

Như vậy, đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (khi thực hiện theo Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ) phát sinh tăng 3 thành phần hồ sơ so với quy định trước đây: Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt; phương án sử dụng tầng đất mặt và văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngày 5-2-2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2023/NĐ-CP, trong đó đã loại bỏ điều kiện về văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Dù có sửa đổi, song việc áp dụng trên thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn.

Kiến nghị biện pháp tháo gỡ

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, huyện thu hồi, chuyển mục đích đất trồng lúa với diện tích 985,12ha để thực hiện 258 công trình, dự án. Kết quả đã thực hiện thu hồi, chuyển mục đích xong đối với 695,24ha, đạt 70,57%. Một số công trình, dự án trong kế hoạch sử dụng đất chậm tiến độ do có quy mô lớn, quá trình chuẩn bị đầu tư mất nhiều thời gian, nhất là công tác cấp chỉ giới đường đỏ, đánh giá tác động môi trường (theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường).

Để tháo gỡ khó khăn trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng đề xuất, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Trong đó quy định về phân cấp, ủy quyền cấp huyện trong việc đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường đối với các dự án có sử dụng đất lúa.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết, huyện đã và đang thực hiện thu hồi đất trồng lúa đối với 119/171 dự án, chiếm 69,6%. Tuy nhiên, số diện tích hoàn thành mới đạt gần 20ha của 13 dự án, còn lại đang thực hiện. Nguyên nhân của việc chậm là do khi đăng ký dự án chuyển mục đích đất trồng lúa phát sinh 2 thành phần hồ sơ so với trước đây. Do đó, dự án phải thực hiện xong công tác thu hồi đất để xác định chính xác diện tích đất trồng lúa, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa xong mới đủ điều kiện để đăng ký, trình HĐND thông qua nghị quyết làm cơ sở chuyển mục đích sử dụng đất, dẫn đến mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

Vì thế, huyện Hoài Đức kiến nghị HĐND thành phố thông qua danh mục dự án chuyển mục đích đất trồng lúa đồng thời với danh mục dự án thu hồi đất như trước đây để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương khi triển khai thực hiện; đồng thời UBND thành phố hỗ trợ vốn, các sở, ban, ngành hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ thẩm định để triển khai đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết, qua khảo sát, giám sát cho thấy, những khó khăn của 2 huyện Hoài Đức và Đông Anh cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương ngoại thành hiện nay. Sau đợt giám sát, Ban sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có các giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện đúng tiến độ các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo nghị quyết của HĐND thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng cho các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.