(HNM) - Sau gần 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh đã tăng ở mức hai con số, song mới chỉ chiếm chưa đến 1% nhu cầu nhập khẩu hơn 600 tỷ USD/năm của thị trường này. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp cải thiện năng lực, tận dụng tối đa UKVFTA cho xuất khẩu.
Xuất khẩu tăng ở mức hai con số
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho biết, năm 2021, năm đầu thực thi UKVFTA, kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam và Anh đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; Anh xuất khẩu 849 triệu USD, tăng 23,6%. Trong 5 tháng đầu năm 2022, mặc dù tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 cùng với những bất ổn địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, lạm phát gia tăng ở hầu hết các quốc gia… nhưng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Anh vẫn đạt 2,68 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2021. “Đa số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh đạt tăng trưởng cao khi xuất khẩu sang Anh, trong đó cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, da giày… đều tăng trưởng gần 100%”, ông Ngô Chung Khanh thông tin.
Từ góc độ nhập khẩu, ông Ngô Chung Khanh nhận định, sau khi UKVFTA được thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng nhiều hơn nguồn nguyên liệu, công nghệ, sản phẩm mà Anh có thế mạnh, như nguyên phụ liệu cho ngành may mặc, da giày, dược phẩm, thức ăn gia súc… để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp có thể đáp ứng quy tắc về xuất xứ nguyên, phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu. “Như vậy, Anh đang trở thành nguồn cung cấp nguyên, vật liệu giá trị cao, công nghệ tốt cho chúng ta để tận dụng UKVFTA. Đây là một điểm cần phát huy trong thời gian tới”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết, nếu không có việc thuế suất giảm nhờ UKVFTA, ngành gỗ khó có thể cạnh tranh với các nước khác trên thị trường Anh và đạt tăng trưởng đáng khích lệ như thời gian qua.
Tháo gỡ những rào cản
Theo Bộ Công Thương, dư địa xuất khẩu vào Anh rất lớn, bởi hàng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu hơn 600 tỷ USD/năm của thị trường này. Đáng chú ý, hiện nước Anh đang tích cực thúc đẩy các quan hệ thương mại để đa dạng hóa nguồn cung, đặc biệt hướng đến các thị trường có hiệp định thương mại tự do, trong đó có Việt Nam. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam khai thác, gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới.
Để tận dụng cơ hội từ UKVFTA, các chuyên gia cho rằng, trước hết doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua những rào cản của chính mình. Đó là tư duy và cách kinh doanh theo lối an toàn, chỉ tập trung vào thị trường truyền thống, lo ngại về những tiêu chuẩn khắt khe mà đối tác đặt ra khi xuất khẩu sang Anh. Ngoài ra, các chuyên gia lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin từ các hiệp định thương mại tự do, cải thiện năng lực, tạo chỗ đứng trên thị trường bằng cách bảo đảm chất lượng hàng hóa với giá cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, đồng thời quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ… Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Anh Dương cho rằng, các bộ, ngành cần cung cấp thông tin nhiều hơn về thị trường Anh, đặc biệt là các xu hướng mới, các yêu cầu mới, giúp doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi. Bối cảnh giá năng lượng tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu như hiện nay đang là cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài nêu quan điểm, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi nhanh, tạo bước đột phá trong sản xuất, xuất khẩu sang Anh sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, chú ý đến tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ. Cùng với đó cần đầu tư cho quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá thương hiệu qua môi trường số để gia tăng cơ hội xuất khẩu.
Về phía Bộ Công Thương, ông Ngô Chung Khanh cho biết, đến nay Bộ Công Thương đã đúc kết những kinh nghiệm để cùng với các bộ, ngành, địa phương định hướng thực thi UKVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác sát với nhu cầu của doanh nghiệp hơn, đạt hiệu quả cao hơn. Như việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, Bộ sẽ không tổ chức các hội nghị, hội thảo chung chung mà đi sâu vào chuyên ngành, giới thiệu những doanh nghiệp đã thành công để phổ biến kinh nghiệm thực tế. “Chính phủ đã phê duyệt chủ trương xây dựng đề án đánh giá kết quả thực thi các hiệp định thương mại tại các địa phương nhằm xếp hạng 63 tỉnh, thành phố. Việc này sẽ giúp chính quyền các địa phương thay đổi tư duy, tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tìm cách tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.