(HNM) - Du lịch tàu biển, du thuyền là một trong những dòng sản phẩm có sức hấp dẫn lớn đối với du khách, đặc biệt là khách hạng sang. Để khai thác được "mỏ vàng" này, cần tháo gỡ một số "rào cản", khó khăn. Qua đó, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Du lịch du thuyền khởi sắc
Kể từ khi du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn trở lại, du lịch đường biển, sông bằng du thuyền tạo được sức bật mới. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến bằng đường biển đạt 44 nghìn lượt người, chiếm 1,2% tổng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng hơn 900 lần so với cùng kỳ năm trước. Còn theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính riêng trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, sản phẩm du lịch đường biển (tàu biển, du thuyền xuyên Việt) được du khách quốc tế lựa chọn nhiều. Điển hình như Công ty Saigontourist đón liên tục 10 đoàn khách quốc tế với hơn 5.000 du khách từ Đức, Pháp và các nước châu Á. Công ty Du lịch Vietravel phục vụ hơn 10.000 lượt khách quốc tế, chiếm 50% số lượng khách phục vụ trong kỳ nghỉ lễ.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2023, thị trường tàu biển đã khởi sắc, đưa hàng nghìn du khách quốc tế cập cảng tại Quảng Ninh, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh... Cụ thể, đầu tháng 3-2023, tỉnh Khánh Hòa đón tàu du lịch cao cấp Silver Muse với hơn 330 khách đến từ Đức, Canada, Australia, Colombia, Trung Quốc... Gần đây, tàu du lịch cao cấp MSC Poesia đưa hơn 2.000 du khách đến từ châu Âu cập cảng Nha Trang (Khánh Hòa) và thành phố Hồ Chí Minh.
Không chỉ tàu biển, du lịch du thuyền trong nước cũng có sự khởi sắc lớn. Theo Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị (Tập đoàn Du thuyền cao cấp châu Á - đơn vị quản lý du thuyền Ambassador Cruise) Đoàn Ngọc Bảo, từ đầu năm 2023, sản phẩm du thuyền cao cấp hoạt động thường xuyên với cả hình thức phục vụ trong ngày và lưu trú qua đêm. Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lux Group Phạm Hà, hoạt động du thuyền trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Lan Hạ (Hải Phòng) rất sôi động, đặc biệt khởi sắc từ đầu năm 2023 khi du lịch Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã ổn định trở lại. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2023 và đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, hai du thuyền 5 sao là Emperor Cruises và Heritage Cruises kín khách đặt từ nhiều tháng trước.
Tháo gỡ khó khăn, thách thức
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, du lịch biển đảo là ưu tiên số một. Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế biển nói chung thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 về phát triển kinh tế biển. Với lợi thế có đường bờ biển kéo dài từ Bắc đến Nam, rất nhiều địa phương có thể tạo sản phẩm du lịch biển có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực như: Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)…
Mặc dù có nhiều lợi thế về thiên nhiên, nhưng hoạt động du lịch biển, du thuyền còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được việc đón tàu biển có sức chứa lớn, thiếu cảng du lịch quốc tế (hiện chỉ có khoảng 3-4 cảng đáp ứng được), nguồn nhân lực thiếu và yếu, ít doanh nghiệp du lịch đủ năng lực đón dòng khách quốc tế hạng sang với số lượng lớn.
Còn với hoạt động du thuyền trong nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lux Group Phạm Hà cho rằng, nhiều tuyến du lịch đường biển đang bị “ách tắc” do thiếu cơ chế phối hợp của các địa phương. Chẳng hạn du khách muốn trải nghiệm du lịch liên tuyến trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Lan Hạ… sẽ phải đi bằng 3 du thuyền khác nhau thay vì trải nghiệm một con tàu 3 hành trình. Vì thế, để hấp dẫn du khách hơn, các địa phương cần có cơ chế phối hợp đặc thù.
Hiện nay, nhiều địa phương đã có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch tàu biển, du thuyền là sản phẩm chiến lược. Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2023-2024, thành phố sẽ cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy, đồng thời lên kế hoạch cho nhóm sản phẩm từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc (An Giang) để kết nối qua Campuchia. Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa cũng lên kế hoạch từ nay đến cuối năm đón khoảng 20 chuyến tàu du lịch biển với hàng nghìn du khách.
Tại Hà Nội, du lịch du thuyền trên sông Hồng đã được triển khai vào tháng 4-2022 nhưng sau đó không duy trì được do ít khách trải nghiệm. Một trong những lý do là sản phẩm tour còn đơn điệu, cảnh quan hai bên sông Hồng chưa hấp dẫn du khách. Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong kế hoạch phát triển du lịch Thủ đô trong năm 2023 và những năm tiếp theo, du lịch trên sông đang được quan tâm. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đơn vị đã khảo sát đánh giá hoạt động du lịch trên sông Hồng, hướng tới sẽ có chiến lược phát triển du lịch trên sông Hồng một cách bài bản, chuyên nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.