(HNM) - Việt Nam đã được các nước phát triển và định chế tài chính quốc tế nối lại việc cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ năm 1993 đến nay.
Đây là nguồn lực quan trọng, được Việt Nam dùng để tập trung đầu tư phát triển các công trình, dự án phục vụ quốc kế dân sinh; trong đó phần nhiều để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo... Như vậy, ODA được coi là một kênh cấp vốn quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước trong những thập kỷ qua.
Điều đó cũng có nghĩa là vốn ODA cần được sử dụng một cách tiết kiệm, triệt để, kịp thời nhằm phát huy tác dụng. Ngược lại, nếu chậm giải ngân hoặc vì các yếu tố, nguyên nhân khác mà giảm mức độ hoặc chậm tốc độ hấp thụ thì sẽ gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực, vì vẫn phải trả lãi trong khi để tuột mất cơ hội thụ hưởng của các đối tượng.
Đặc biệt, từ khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA giảm dần, chuyển sang vay ưu đãi và tiến tới vay theo lãi suất thị trường. Thế nhưng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, kết quả giải ngân nguồn vốn ODA chỉ đạt 1,5 tỷ USD, tức bằng 32,6% so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Đây là mức giải ngân thấp, có thể dẫn đến hệ lụy không đáng có; nhất là làm mất uy tín của Việt Nam với nhà cung cấp ODA nên cần khắc phục sớm.
Đáng tiếc, lý do của sự chậm trễ này vẫn mang tính chất “muôn thuở”, như chậm và khó khăn trong giải phóng mặt bằng, sự phức tạp về thủ tục...; chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Trước tình hình này, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường rà soát, tập trung nguồn vốn vào các dự án quan trọng và có khả năng hoàn thành sớm; cũng như tăng cường phối hợp, thúc đẩy nhanh tốc độ giải ngân... Các ban quản lý dự án, địa phương có dự án sử dụng ODA cần nâng cao trách nhiệm, tự giác vào cuộc nhằm cải thiện tình hình, vì mục tiêu chung là sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Vay được vốn ODA đã khó, sử dụng đồng vốn đó hiệu quả rõ ràng còn khó hơn. Do đó, việc gỡ bỏ những "nút thắt" trong giải ngân vốn ODA trong bối cảnh vốn đầu tư cho phát triển ngày càng eo hẹp cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.