(HNMO) - Dự án khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc đặt tại huyện Thạch Thất, Hà Nội có tổng diện tích 1.586 ha đất, đến nay qua 3 giai đoạn giải phóng mặt bằng (GPMB) mới thu hồi được 855,5 ha đất (chiếm 54%).
Khó khăn chồng khó khăn
Theo ông Cấn Hoàng Tung – Trưởng Ban quản lý đầu tư phát triển các cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (thuộc Sở Công Thương Hà Nội): Khi GPMB toàn bộ khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc 1.586 ha cần phải thu hồi đất của gần 10.000 hộ có đất nông nghiệp, trong đó 1.288 hộ có nhà ở, 6 nghĩa trang nhân dân, 2 đơn vị quân đội.
Hiện nay việc vi phạm quy hoạch trong khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc xảy ra khá phổ biến như xây dựng công trình mới, khai thác đất, trồng cây mới nhằm vụ lợi nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý; đây là vấn đề khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ.
Hơn nữa, trong số diện tích đã GPMB bàn giao cho Ban quản lý khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, (số diện tích có mặt bằng sạch nhưng chưa được sử dụng), trong khi nhân dân mất đất không có việc làm nên các hộ dân tái lấn chiếm, gây bức xúc trong dư luận cán bộ, nhân dân địa phương và gây khó khăn trong vận động nhân dân tiếp tục GPMB diện tích còn lại.
Trong khi đó, quý I/2010, huyện Thạch Thất phải tập trung để GPMB dự án đường Láng – Hòa Lạc. Do vậy số cán bộ Ban bồi thường GPMB huyện và cán bộ thuộc UBND xã Thạch Hòa đang thực hiện dự án GPMB khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc đều chuyển sang GPMB đường Láng Hòa Lạc. Theo đó, đến nay Hội đồng bồi thường GPMB huyện Thạch Thất chưa kiện toàn các tổ công tác GPMB khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc nên chưa đủ cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
Mặt khác, việc xử lý khu vực giáp ranh giữa 2 dự án 200 ha và 600 ha, có một số diện tích bị chồng lấn, người dân có đất kiến nghị chưa được nhận tiền đền bù nhưng đến nay Ban quản lý khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc chưa tổ chức xong công tác đo đạc, trích lục lập bản đồ địa chính, làm thủ tục thu hồi đất để GPMB số diện tích này…
Về việc xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân giai đaọn I có quy hoạch 36 ha để cấp đất cho 653 hộ dân, khu này được chia làm 5 lô, hiện tại đã GPMB và san lấp 27 ha và đang thực hiện thi công hạ tầng kỹ thuật 4/5 lô, còn lại lô số 4 chưa GPMB. Nhìn chung việc xây dựng khu tái định cư bị chậm tiến độ do còn 3 thửa đất của hộ ông Nguyễn Khắc Cường nằm xen kẽ trong khu vực thi công các tuyến đường hạ tầng kỹ thuật đã được phê duyệt phương án và dự toán bồi thường, hỗ trợ nhưng ông Cường không nhận và cố tình không bàn giao mặt bằng.
Tiếp theo đó, diện tích 3,2 ha đất công giao thầu cho 3 hộ dân chưa bồi thường, hỗ trợ, nên chưa có mặt bằng; Còn 14 hộ dân ven đường 420 có đất ở chuyển đổi đất nông nghiệp không đúng thẩm quyền (trong đó có 2 hộ đã xây dựng nhà ở) chưa được giải quyết, không bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra, lô số 4 có diện tích 5,4ha thuộc dự án là đất ở, đất vườn lâu đời của 54 hộ dân đang sinh sống và có đình, chùa thôn Vân Lôi; mặc dù 2 năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều lần tuyên truyền, vận động để GPMB nhưng các hộ dân vẫn không đồng thuận cho thu hồi đất. Mặt khác, số diện tích này nếu được GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng chỉ đảm bảo tái định cư tại chỗ cho 54 hộ dân đang sinh sống và các công trình phúc lợi, đình chùa cuả thôn Vân Lôi, phần diện tích còn lại để cấp cho các hộ tái định cư mới không nhiều nên cần điều chỉnh quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư giai đoạn I.
Ngoài ra, việc di chuyển đường điện trong khu tái định cư đã được phê duyệt phương án dự toán bồi thường hỗ trợ nhưng chưa thực hiện di chuyển gây khó khăn cho thi công các tuyến đường. Tiến độ xây khu tái định cư 36 ha bị chậm do chưa được giải phóng mặt bằng, nếu không giải quyết kịp thời trong tháng 5/2010 sẽ không thành thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tạm giao đất tái định cư cho khoảng 256 hộ dân trong tháng 6/2010 theo sự chỉ đạo của UBND TP. Riêng việc GPMB dự án tái định cư 2 đơn vị quân đội đến nay cũng chưa triển khai được.
Gỡ khó GPMB, đẩy nhanh tiến độ dự án
Trước hàng loạt khó khăn nêu trên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, chiều 11/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đã có buổi làm việc với các đơn vị, sở ngành về dự án khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc. Hơn nữa, cuộc họp cũng nhằm thực hiện Công văn 2965, ngày 29/4/2010 của UBND TP Hà Nội yêu cầu chuẩn bị nội dung báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về việc thực hiện kết quả triển khai giám sát dự án khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc (sau chuyến thăm của đoàn từ cuối năm 2009).
Tại buổi làm việc, bà Bài - đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội nhận xét: Đến nay việc triển khai khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc đã quá chậm, gây bức xúc trong nhân dân, Chính phủ cần quyết liệt cho thực hiện tiếp dự án này. UBND TP cần giao cho UBND huyện Thạch Thất vẽ lại bản đồ địa chính khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, tránh việc bị chồng lấn, mập mờ. Thủ tướng nên có cơ chế chính sách đặc biệt cho GPMB, thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc và trước mắt giải quyết nốt phần hạ tầng, khớp nối về điện nước; Xây dựng ngay khu tái định cư đáp ứng nhu cầu của nhân dân và tái định cư cả mồ mả, đảm bảo hạ tầng xã hội như trường học…; Tăng cường phối hợp giữa các bên; Tăng cường xử lý vi phạm an ninh trật tự tại khu vực này… Giải quyết đồng bộ các tồn tại trên mới có thể đẩy nhanh được việc thực hiện dự án.
Lý giải về việc triển khai các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc bị chậm, ông Bảy – Phó Ban quản lý khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc cho biết: Những năm trước, mỗi năm ngân sách nhà nước chỉ cấp cho dự án khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc khoảng 400 tỷ đồng, trong đó khoảng 50% dành cho GPMB là rất ít (nhu cầu thực tế phải gấp 10 lần). Các dự án chưa triển khai được vì mặt bằng không sạch, hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, đến cuối năm nay tại khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc sẽ khởi công từ 16-20 dự án, trong đó ngay 19/5 này sẽ khởi công một công trình lớn của Viettel. Hơn nữa, tin mừng là một Ban quản lý PMU về đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu công nghệ cao mới được thành lập ngày 9/5/2010 để thực hiện dự án ODA có trị giá 700 triệu USD, kéo dài đến năm 2019 để phát triển hạ tầng khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng chỉ đạo: Trong năm 2010 cần tập trong vào việc GPMB khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc gắn với từng tuyến đường, dự án cụ thể để đẩy nhanh tiến độ đầu tư và cũng để tránh tình trạng GPMB xong để đó rồi lại bị tái lấn chiếm. Về cơ chế chính sách đền bù GPMB cho khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, ngoài những cơ chế đã áp dụng như đường Láng - Hòa Lạc, để tháo gỡ những khó khăn tiếp theo, UBND huyện Thạch Thất cần báo cáo Ban chỉ đạo GPMB TP và các sở ngành và UBND TP xem xét, giải quyết. Riêng về mô hình cơ quan GPMB, UBND TP đồng ý về nguyên tắc chuyển nhiệm vụ GPMB và thực hiện dự án tái định cư khu công nghệ cao từ Ban quản lý đầu tư phát triển các cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang UBND huyện Thạch Thất.
Phó Chủ tịch cũng giao cho cho Ban quản lý khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc quy hoạch địa điểm để bố trí xây dựng đồn công an giữ trật tự chung cho khu vực này; đề xuất Sở Giao thông Vận tải bố trí thêm tuyến xe buýt đến khu công nghệ cao bên cạnh 2 tuyến đang chạy qua đây hiện nay để đáp ứng nhu cầu đi lại cho hàng nghìn công nhân đang ra vào khu công nghệ. Ban quản lý khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc cũng phải chủ động điều chỉnh bản đồ địa chính phần giáp ranh giữa khu công nghệ cao với dự đường Láng Hòa Lạc; làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường để thực hiện quyết định thu hồi đất phù hợp với quy hoạch; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tăng cường vốn đầu tư xây dựng cho hạ tầng cơ sở khu công nghệ cao, sử dụng kịp thời, hiệu quả với những khu vực đất đai đã được bàn giao…
Có thể thấy với những quyết tâm gỡ những nút thắt trong việc thực hiện dự án khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc của TP Hà Nội cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, hy vọng dự án này sẽ sớm về đích, tạo dựng một thành phố khoa học công nghệ hiện đại nhất miền Bắc, hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.