Tám hiệp hội liên quan đến các nhóm vật liệu xây dựng đã đồng loạt “kêu cứu” vì sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Đây là hệ quả tất yếu khi bất động sản trong nước giảm sâu, dự án đầu tư công triển khai chậm.
Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến hàng loạt các bộ, ngành nhằm gỡ khó cho ngành sản xuất vật liệu trước khi chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tắc nghẽn đầu ra tiêu thụ sản phẩm
Tiến sĩ Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, ngành vật liệu xây dựng có đặc tính nổi bật là nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế vĩ mô. Khi ngành xây dựng, bất động sản làm ăn phát đạt thì ngành có cơ hội để tăng trưởng và ngược lại. Từ năm 2020 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh ngành vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nổi bật nhất là tắc nghẽn đầu ra tiêu thụ sản phẩm sử dụng cho các công trình dân dụng và công nghiệp.
Với xi măng, 10 tháng năm 2023, cả nước tiêu thụ được khoảng 72,4 triệu tấn, thấp hơn 4,35% so với cùng kỳ năm 2022; còn xuất khẩu giảm 2%. Bộ Xây dựng cho biết, nếu so với bình thường, từ đầu năm đến nay tiêu thụ nội địa giảm 13-15%. Nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động để giảm lượng tồn kho.
Về ngành gốm sứ xây dựng, bao gồm gạch ốp lát và sứ vệ sinh, năm 2020 gạch ốp lát Việt Nam đạt công suất 800 triệu mét vuông, đứng thứ 4 thế giới. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng sản xuất chỉ đạt 50-60% tổng công suất thiết kế. Tiêu thụ chỉ đạt 80% sản lượng, còn lại lượng tồn kho khá lớn.
Tương tự, sản xuất thép trong 9 tháng năm 2023 cũng giảm 21,6% (đạt khoảng 7,7 triệu tấn). Tiêu thụ thép giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng bê tông sản xuất 10 tháng năm 2023 ước đạt 129 triệu mét khối, giảm 14%. Sản lượng sản xuất kính xây dựng đạt khoảng 174 triệu mét vuông, bằng 50% so với tổng công suất thiết kế, lượng tiêu thụ cũng chỉ đạt khoảng 138,5 triệu mét vuông, bằng 79,6% lượng sản xuất.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm còn do chi phí đầu vào như điện, nhiên liệu than, logistics... đều tăng.
Đề xuất nhiều ngành cùng “gỡ khó”
Đại diện 8 hội, hiệp hội khối sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng đã có kiến nghị đề xuất lên Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thứ nhất, cần có sự điều chỉnh kịp thời về Chiến lược phát triển nhà ở mà cụ thể là sớm điều chỉnh tỷ lệ giữa phân khúc nhà ở thương mại với nhà ở xã hội nhằm giải quyết triệt để tình trạng nhiều biệt thự, nhà liền kề, căn hộ cao cấp rải rác khắp nơi không có người ở, trong khi người thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp lại không có nhà để ở.
Tiếp đó, để triển khai xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo Đề án 1 triệu căn hộ thì cần sớm hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai để thống nhất với Luật Nhà ở (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua và các luật khác có liên quan, tạo thuận lợi về quỹ đất và các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cần hình thành các thiết kế mẫu cho từng loại căn hộ, khối nhà và tiểu khu nhà ở xã hội phù hợp với đặc điểm khí hậu và điều kiện đất đai từng vùng khác nhau; thi công xây dựng nhà ở xã hội nên thực hiện theo phương pháp lắp ghép để bảo đảm đồng bộ về chất lượng và đặc biệt là tiến độ xây dựng...
Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Thái Duy Sâm, để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tăng chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm nhưng phải giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm. Để làm được cả hai điều đó, giải pháp là tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, quản lý, áp dụng; chú trọng tiết kiệm chi phí.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần lưu ý đến vấn đề môi trường như giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn… Đồng thời tăng cường khâu tiếp thị, linh hoạt mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm.
Gỡ khó cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, đại diện Bộ Xây dựng cho biết đã lấy ý kiến các bộ Công Thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trước khi chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt về phía Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng kiến nghị phối hợp triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước xem xét giảm lãi vay đối với doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (có thể giảm đến 2%) cho đến hết năm 2025; tiếp tục gia hạn, không tính lãi đối với khoản nợ quá hạn và tái cơ cấu nợ vay.
Trước sức ép từ các sản phẩm nhập khẩu tăng mạnh (ví dụ gạch ốp lát), Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá với sản phẩm từ một số nước để áp thuế chống bán phá giá khi cần thiết.
Bộ cũng đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục kéo dài việc thực hiện Nghị quyết số 101/ 2023/QH15 về thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm thuế xuất khẩu và có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chế biến sâu như xuất khẩu cấu kiện bê tông cốt thép, bê tông khí chưng áp, phụ gia khoáng cho bê tông/xi măng từ phế thải công nghiệp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.