Trong kịch bản khả quan của năm 2024, đầu tư công được thúc đẩy, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và nhà ở xã hội triển khai đồng bộ sẽ tạo ra “lực đẩy” cho thị trường bất động sản phát triển. Đây cũng là điều mà ngành vật liệu xây dựng kỳ vọng, từ đó sớm vượt qua khó khăn.
Giảm mạnh ở nhiều phân khúc
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nhóm ngành vật liệu xây dựng đóng góp trung bình khoảng 7% GDP của Việt Nam mỗi năm. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản giảm sâu, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động đến đầu ra của toàn ngành trong 2 năm trở lại đây. “Thị trường bất động sản trầm lắng ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề. Nhưng có thể khẳng định, vật liệu xây dựng là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất”, Tiến sĩ Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam khẳng định.
Thống kê cho thấy, trong năm 2023, sản lượng sản xuất và tiêu thụ gốm sứ, kính xây dựng chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Ngành sản xuất xi măng cũng không thoát khỏi tình trạng này. Tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) báo lỗ hơn 500 tỷ đồng. Theo Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh, đây là quãng thời gian khó khăn chưa từng có. Tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao. Tại nhiều đơn vị trong hệ thống VICEM, một số nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng lò để hạn chế đổ clinker ra bãi.
Báo cáo của Bộ Xây dựng đưa ra con số cụ thể, sản lượng xi măng sản xuất năm 2023 khoảng 89,4 triệu tấn, giảm 5,45% so với năm 2022; lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm khoảng 6%. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 56,8 triệu tấn (giảm khoảng 10%)... Đối với gạch ốp lát, sản lượng sản xuất đạt khoảng 386,5 triệu mét vuông, giảm khoảng 15%, sản lượng tiêu thụ khoảng 291,5 triệu mét vuông, giảm 25%. Tương tự, sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm khoảng 25%; sản lượng sản xuất và tiêu thụ vôi đạt 2,5 triệu tấn, giảm 2,5%; đá ốp lát đạt khoảng 12 triệu mét vuông; tấm lợp fibro xi măng đạt khoảng 24 triệu mét vuông, giảm 8%...
Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam cũng thông tin về doanh thu toàn ngành ước giảm 70-80%, đánh dấu một thời kỳ suy giảm dài và liên tục. Hiện nay, lượng tồn kho lũy kế các năm của các doanh nghiệp tương đương khoảng 6 tháng sản xuất.
Những tín hiệu tích cực
“Để tháo gỡ bế tắc cho đầu ra của ngành vật liệu xây dựng, việc phục hồi thị trường nội địa có ý nghĩa sống còn, đặc biệt là tập trung gỡ khó cho thị trường bất động sản và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”, Tiến sĩ Thái Duy Sâm nêu.
Năm 2024, ngành vật liệu xây dựng có cơ sở đặt ra nhiều kỳ vọng phục hồi bởi từ năm 2023 đến nay, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị.
Hàng loạt dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành hay các đường vành đai được mở rộng, xây dựng sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ các nhóm ngành vật liệu xây dựng với khối lượng lớn. Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thời gian qua đã có nhiều chỉ đạo nhằm gỡ khó cho việc cung ứng vật liệu xây dựng trong thi công các công trình trọng điểm.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội chính thức thông qua các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư trong năm 2023 cùng với những nghị quyết, nghị định, thông tư... tháo gỡ khó khăn, sẽ có tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng đối với vật liệu xây dựng.
Trong đó, một số nhóm ngành lớn như xi măng được dự báo cụ thể về thời điểm phục hồi. Trong báo cáo chiến lược năm 2024, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, mức tiêu thụ xi măng trong quý I-2024 sẽ ở mức thấp do các yếu tố mùa vụ như nghỉ Tết Nguyên đán và nhu cầu vẫn ở mức yếu. Tuy nhiên, kể từ quý II-2024, sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Các dự án đầu tư công lớn như sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung, miền Nam có thể bù đắp cho sản lượng xi măng giảm trong năm 2023.
Về phía Bộ Xây dựng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2024 là theo dõi sát diễn biến thị trường, đưa ra các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn mặt hàng vật liệu, nhất là vật liệu chủ yếu. Đặc biệt, Bộ đang cấp bách tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030 và tăng sử dụng xi măng trong làm đường giao thông, nhất là ở khu vực các tỉnh phía Nam. Đây được coi là những “lực kéo” mạnh nhất và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tăng chất lượng, đa dạng mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm. Để đạt được các yếu tố này, giải pháp là tăng cường đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản lý; chú trọng tiết kiệm chi phí. Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến vấn đề môi trường, sản xuất xanh, ứng dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn; linh hoạt mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.