Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó cho hoạt động phát hành, phổ biến phim

Gia Phú| 05/06/2016 06:48

(HNM) - Phát hành, phổ biến phim có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống điện ảnh, tuy nhiên, lâu nay, phần việc này vẫn khiến người trong giới phải đau đáu, trăn trở.

Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Ảnh: Linh Ngọc


Chướng ngại vật khó vượt

Chia sẻ về thực tế công tác phát hành, phổ biến phim của địa phương mình, ông Bùi Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm Phát hành và Chiếu bóng Hải Phòng cho biết: "Trung tâm có 3 rạp chiếu phim, tất cả đều nằm ở vị trí thuận tiện nhưng cơ sở xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu. Thiết bị chiếu phim hiện có tại các rạp của Hải Phòng là đầu HD kết nối với máy chiếu, nguồn phim là ổ cứng do Cục Điện ảnh cung cấp, vì thế, rất khó thu hút khán giả đến rạp. Hằng ngày, hoặc là các rạp không mở được buổi chiếu nào, hoặc là có được buổi chiếu thì cũng chỉ… 2 - 4 người xem".

Thực tế của Hải Phòng mà ông Bùi Thế Lâm đề cập cũng chính là thực trạng chung của rất nhiều trung tâm phát hành và chiếu bóng thuộc các tỉnh phía Bắc. Từ Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Giang, Phú Thọ đến Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị…, tất cả đều chung một tiếng thở dài: Rạp xuống cấp, thiết bị lạc hậu và không còn phù hợp, nguồn phim èo uột, nguồn nhân lực đảm nhận việc phát hành và phổ biến phim rất yếu. Có tỉnh, mỗi năm chỉ có 2 - 3 phim về đến địa phương. Ở một số địa phương, phim được chiếu chậm hơn so với lịch phát hành chung trong toàn quốc từ 1 đến 2 tháng, có nơi chậm hơn từ 6 đến 9 tháng, vì thế, sức hút giảm đáng kể.

Trong thời gian qua, Cục Điện ảnh đã cố gắng cung cấp nguồn phim cho các trung tâm phát hành và chiếu bóng địa phương, gồm phim Việt Nam, phim đặt hàng, phim phục vụ đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, hải đảo... Tuy nhiên, nguồn phim đó chưa đủ, chưa sát so với nhu cầu. Theo số liệu của Cục Điện ảnh, tính đến cuối năm 2015, cả nước có 138 rạp với 510 phòng chiếu. Hệ thống rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý chiếm số lượng áp đảo so với hệ thống rạp chiếu của tư nhân và các công ty liên doanh nước ngoài nhưng lại "lép vế" về chất lượng phòng chiếu, màn chiếu, hệ thống âm thanh, máy chiếu… Nhiều rạp chưa được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số chuẩn 2K. Các bộ phim Việt Nam và phim nước ngoài được sản xuất theo công nghệ mới không tương thích với hệ thống máy chiếu hiện có, nên có đưa phim về cũng bằng không. Đại diện Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Quảng Trị bùi ngùi: "Những bộ phim như Hương Ga, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có sức hút rất lớn nhưng ở Rạp chiếu bóng Đông Hà, chúng tôi chỉ biết thèm khát, ước ao trước yêu cầu của đông đảo khán giả chứ không thể chiếu".

Đáng báo động hơn là ở một số địa phương, có hiện tượng rạp chiếu bị thu hồi hoặc có nguy cơ bị thu hồi để sử dụng vào mục đích khác.

Tăng tính chủ động để "tự cứu" mình

Sự chủ động chiếm lĩnh thị trường của các công ty tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đã mang lại sự khởi sắc đáng kể cho hoạt động phát hành và phổ biến phim, nhất là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của lực lượng này cũng tạo nhiều áp lực lên phim Việt trong cuộc chạy đua tìm khán giả. Theo số liệu của Cục Điện ảnh, năm 2015, số phim truyện Việt Nam được chiếu tại rạp là 41, số phim truyện nước ngoài nhập khẩu là 199. Tại các hệ thống rạp do Nhà nước quản lý, số buổi chiếu phim Việt Nam chiếm tỷ lệ 67,63%; số lượng người xem phim Việt Nam chiếm 61,9%. Tại hệ thống rạp của công ty nước ngoài, liên doanh và tư nhân, tỷ lệ tương ứng lần lượt là 34,8% và 47,5%. Sự lấn át của phim ngoại tại hệ thống rạp tư nhân, liên doanh đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc duy trì và nâng cấp các rạp chiếu do Nhà nước quản lý, bởi nó sẽ góp phần không nhỏ đưa những bộ phim có giá trị tư tưởng và nghệ thuật của điện ảnh Việt Nam đến với khán giả nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam cho biết, hiện nay, thị trường rạp chiếu phim chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài nắm, và họ cũng là những đơn vị phát hành nhiều phim của Mỹ, Hàn Quốc. Bởi vậy, những nhà sản xuất và phát hành phim Việt Nam đang phải chịu nhiều bất lợi so với đơn vị nước ngoài ở tại chính đất nước mình - cả về tỷ lệ ăn chia, giờ chiếu, suất chiếu.

Để đẩy mạnh việc phát hành và phổ biến phim tại các rạp địa phương, khá nhiều giải pháp, đề xuất đã được nêu, đặc biệt là việc thống nhất mô hình phát hành phim; thực hiện chính sách hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh; hỗ trợ vốn phát triển cơ sở kỹ thuật và hạ tầng cho các công ty điện ảnh, trung tâm chiếu phim và chiếu bóng địa phương; điều tiết nguồn phim; đẩy mạnh công tác xã hội hóa… Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh bày tỏ: "Việc giữ lại hoặc đầu tư xây dựng mới rạp chiếu phim là hết sức cần thiết, việc đầu tư cơ sở vật chất cho điện ảnh là rất cấp bách trong thời kỳ phát triển, hội nhập quốc tế".

Nhà rạp rất cần có sự đồng hành của các nhà sản xuất, phát hành phim, của Bộ VH,TT&DL, Cục Điện ảnh, UBND các tỉnh, thành… bởi đó là cơ sở góp phần đưa phim đến công chúng. Tuy nhiên, sự đồng hành này không có nghĩa là các rạp thụ động, chờ cơ chế chính sách, đợi vốn tài trợ từ Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, sự chủ động của các đơn vị là rất cần thiết, bài học từ Trung tâm Chiếu phim quốc gia là một minh chứng rõ nhất cho việc "tự cứu mình" - bằng cách chủ động tìm đối tác liên kết nhằm thay đổi diện mạo và nâng cao chất lượng phục vụ. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho hoạt động phát hành, phổ biến phim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.