(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất chủ trương điều chỉnh doanh thu, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt do nguyên nhân bất khả kháng. Đồng thời giao các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất thành phố các chính sách về lãi vay, thuế, phí cũng như quan tâm ưu tiên để người lao động trực tiếp trong lĩnh vực vận tải được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và hỗ trợ những trường hợp gặp khó khăn do đại dịch theo chính sách hiện hành.
Bến đóng, xe nằm, người lao động lao đao
Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là một trong những doanh nghiệp vận tải của thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Từ năm 2020 đến nay, các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu của đơn vị như: Xe buýt, xe hợp đồng, khai thác bến xe, điểm đỗ… sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh hưởng lớn nhất là lĩnh vực xe buýt với 1.122 phương tiện, có khoảng 6.500 lái xe, nhân viên bán vé lâm vào cảnh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ không lương. Trong khi đó, mức doanh thu, sản lượng hành khách đều được chốt từ giai đoạn trước khi có dịch bệnh để đưa vào hợp đồng đấu thầu.
Anh Dương Văn Thắng, lái xe tuyến buýt 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa) của Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội cho biết, thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND của thành phố Hà Nội, từ ngày 23-7-2021, toàn bộ xí nghiệp với khoảng 600 cán bộ, công nhân viên, trong đó có gần 300 lái xe nghỉ việc. Giai đoạn trước dịch, tổng thu nhập của gia đình anh gồm 4 người khoảng 15 triệu đồng/tháng, chi tiêu tằn tiện mới đủ sống. “Kể từ khi nghỉ giãn cách đến nay, gia đình mất thu nhập, đời sống cực kỳ khó khăn. Rất mong thành phố sớm triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ để gia đình vượt qua khó khăn”, anh Dương Văn Thắng kiến nghị.
Các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh cũng đang lao đao vì xe phải nằm bãi do dịch bệnh kéo dài. Ông Trịnh Văn Bão, Giám đốc Công ty cổ phần Đại Phát, nhà xe chuyên chạy tuyến từ Hà Nội đi Đà Nẵng, Thanh Hóa, Móng Cái (Quảng Ninh) cho hay: "Từ 3 tháng nay, đơn vị phải ngừng hoạt động 100% phương tiện. Hằng tháng chúng tôi vẫn phải trả tiền lãi vay ngân hàng; hỗ trợ đội ngũ lái, phụ xe và nhân viên văn phòng 70% lương. Ngoài việc cắt giảm tối đa chi phí để cố gắng cầm cự, doanh nghiệp vận tải chưa có cách gì khác".
Trong khi đó, các bến xe lớn của Thủ đô đều trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn thông tin, khi chưa có dịch, tần suất xe xuất bến khoảng 800 lượt/ngày. Nhưng hơn một tháng nay bến ngừng hoạt động, toàn bộ cán bộ, công nhân viên phải ở nhà. Không có xe ra vào, bến không có nguồn thu.
Khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, ngày 24-8-2021, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã có văn bản báo cáo kết quả rà soát để có phương án điều chỉnh doanh thu, sản lượng hành khách của năm 2020 và giai đoạn tiếp theo do nguyên nhân bất khả kháng từ dịch Covid-19.
Từ kết quả rà soát, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội điều chỉnh doanh thu kế hoạch năm 2020 đối với 96 tuyến buýt đấu thầu theo doanh thu thực tế (điều chỉnh phần doanh thu bị hụt so với hồ sơ thầu là hơn 125 tỷ đồng). Trung tâm cũng kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội phối hợp với Sở Y tế Hà Nội xem xét ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho khoảng 8.300 người là lái xe, nhân viên phục vụ trên xe của các doanh nghiệp xe buýt.
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, Sở đã nghiên cứu và báo cáo thành phố các phương án nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải và người lao động. Cụ thể, đối với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, sẽ điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu; hỗ trợ toàn bộ khoản lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện.
Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng kiến nghị thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện; đề nghị Cục Thuế Hà Nội giảm thuế hoặc giãn thời gian đóng thuế cũng như có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phục vụ phòng, chống dịch cho các đơn vị vận tải; chỉ đạo các đơn vị khai thác bến xe triển khai giảm giá dịch vụ cho xe ra vào bến và các khoản lệ phí khác cho đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động ở bến xe…
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh văn phòng Transerco, đơn vị đã tạm hoãn hợp đồng lao động và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; làm hồ sơ, thủ tục đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.