(HNM) - Phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn vốn cũng như khả năng tiếp cận thị trường. Do vậy, từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô hoặc phải tạm dừng hoạt động. Làm gì để gỡ khó cho doanh nghiệp nông nghiệp, từ đó đẩy mạnh tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong năm 2020?
Đối mặt nhiều khó khăn
Ông Đặng Đình Tiên, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) cho biết: "Trước đây, trung bình công ty bán ra thị trường khoảng 3 triệu quả trứng/tháng, nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức tiêu thụ giảm xuống còn khoảng 2 triệu quả/tháng, thậm chí có thời điểm chỉ còn 1 triệu quả/tháng. Không những thế, giá trứng chỉ ở mức 2.000 đồng/ quả, giảm 10-15% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, năm nay doanh nghiệp chỉ mong hòa vốn”.
Ở điểm nhìn khác, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam nhận định: Hiện nay, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là gạo, rau, củ, quả gặp nhiều khó khăn. Ngoại trừ các yếu tố về thời tiết thì khâu sơ chế, phân phối lưu thông đều gặp khó bởi với rau, quả tươi, thời gian bảo quản ngắn, nhiều loại tính theo giờ. Mặt khác, thực trạng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội vẫn ở quy mô nhỏ, chủng loại chưa phong phú đang là rào cản trong việc phát triển thị trường.
Một thực tế nữa là nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải vay vốn ngân hàng, nhưng sau đầu tư, chưa tiếp cận ngay được với thị trường nên áp lực lãi suất luôn đè nặng…
Còn theo nhận định của Tổng Hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, bên cạnh tác động của dịch bệnh, thời tiết, khó khăn về thị trường tiêu thụ, nguồn vốn, xúc tiến thương mại..., các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đều yếu kém về năng lực liên kết với nông dân, với các đối tác; thiếu khả năng tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường. Mặt khác, nguồn vốn lưu động ít nên khi tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động do thua lỗ.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Toàn thành phố hiện có gần 1.400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô hoặc phải tạm dừng hoạt động.
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng vào các tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Chữ, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) đề xuất: Các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố sớm có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như hoãn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; hỗ trợ chính sách về vay vốn với lãi suất ưu đãi khi đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sâu để có thời gian quay vòng vốn, duy trì sản xuất.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong năm 2020 là 4,12% trở lên và thúc đẩy phát triển lĩnh vực này những năm tiếp theo, Sở NN&PTNT Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Trước mắt, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động của 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hiện có, trong những tháng cuối năm 2020, thành phố sẽ thẩm định, xét duyệt, hỗ trợ cho 3-5 dự án liên kết chuỗi, đồng thời phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các siêu thị… tổ chức 3-4 hội chợ quảng bá sản phẩm nông nghiệp, tìm cơ hội kết nối, đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại.
Về lâu dài, theo ông Chu Phú Mỹ, trên cơ sở quy hoạch, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND thành phố Hà Nội quan tâm kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu sản xuất, khu ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó là triển khai các chính sách thu hút doanh nghiệp xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản; thúc đẩy sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, thân thiện với môi trường.
Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: Ngoài sự hỗ trợ của thành phố, các ngân hàng, hiện Quỹ Khuyến nông thành phố có số vốn 116 tỷ đồng sẵn sàng giải ngân cho các dự án sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản với lãi suất 0,5%/ tháng, thời hạn vay 2 năm.
Tuy nhiên, để thúc đẩy sản xuất, bảo đảm tăng trưởng trong những tháng cuối năm, bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp cần năng động hơn nữa trong việc tổ chức liên kết, tiêu thụ sản phẩm; tạo nguồn cung cấp thực phẩm sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường. Từ đó nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng để chiếm lĩnh thị trường. Đây chính là chìa khóa, là động lực để thúc đẩy tăng trưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.