Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó cho bảo vệ dân phố

Thành Tâm| 26/10/2016 11:22

(HNMO) - Lực lượng bảo vệ dân phố của Hà Nội được thành lập từ những ngày đầu giải phóng Thủ đô và đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển của thành phố.


Ảnh minh họa


Hiện nay, toàn thành phố có 193 ban BVDP. Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đánh giá, lực lượng BVDP thường xuyên, tích cực phối hợp với công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị… Đây cũng là lực lượng góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật, lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn cơ sở…

Song, cùng với những bước phát triển kinh tế - xã hội và những diễn biến, tình hình mới của công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lực lượng BVDP cũng đã bộc lộ một số hạn chế và nếu không sớm có giải pháp khắc phục sẽ gây khó khăn cho hoạt động nói chung.

Khó khăn đầu tiên dễ nhận thấy là tuổi đời bình quân của lực lượng BVDP đang ngày càng cao. Số người về hưu tham gia công tác BVDP chiếm đến 50%. Số người trên 61 tuổi chiếm tới 28,5%. Nhiều thành viên BVDP đã hơn 70 tuổi, thậm chí 80 tuổi. Có tình trạng này là do chế độ chính sách chưa hợp lý, phụ cấp hỗ trợ thấp nên các ban BVDP khó tuyển được thành viên trẻ.

Thượng tá Lê Hữu Cường, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa cho biết, việc tuyển chọn lực lượng trẻ vào BVDP rất khó khăn. Những người có tuổi đời trẻ thường là trụ cột lao động trong gia đình, không thể toàn tâm, toàn ý tham gia công tác khi phụ cấp chưa đủ nuôi được bản thân.

Bên cạnh đó, điều kiện vật chất phục vụ công tác của lực lượng BVDP còn nhiều hạn chế. Đại tá Đào Thanh Hải cho biết, do điều kiện đặc thù của địa bàn, hầu hết các ban và tổ BVDP tại các quận không có đủ trụ sở làm việc, phải nhờ tạm nhà dân hoặc các cơ quan, đơn vị. Việc triển khai thực hiện chế độ chi trả phụ cấp, trang thiết bị cho BVDP cũng bất cập. Cụ thể, tại một số phường, thị trấn, cán bộ BVDP còn kiêm nhiệm công tác khác nhưng chỉ được hưởng 30% phụ cấp.

Thêm nữa, trang phục cho BVDP nhiều nơi may đo không chính xác nên BVDP nhận về không mặc được. Phương tiện làm việc được trang bị nhưng không có chỗ bảo quản, phải gửi tại trụ sở Công an phường, khi có việc mới đến nhận, gây chậm trễ cho việc giải quyết những sự vụ đột xuất...

Những vướng mắc trên, Công an TP Hà Nội đã chính thức có kiến nghị giải pháp tháo gỡ kịp thời. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc giải quyết phụ cấp để thu hút được thêm thành viên mới, trẻ, có năng lực tham gia vào đội ngũ BVDP. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội, Bộ Công an cần chỉ đạo việc bố trí trụ sở làm việc, dù nhỏ gọn hoặc lưu động để đáp ứng công tác bảo đảm an ninh trật tự. Trang thiết bị, trang phục của BVDP cũng cần được trang bị mới, bổ sung.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo 138 thành phố cũng kiến nghị, Bộ Công an nên đề xuất với Chính phủ nâng mức phụ cấp cho phù hợp, đồng thời xác định vị trí của lực lượng BVDP trong hệ thống chính trị ở cấp cơ sở...

Trước mắt, nhiệm vụ đặt ra là đưa lực lượng BVDP ngày càng lớn mạnh, đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có tính kỷ luật cao, có tinh thần trách nhiệm, có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ. Để làm việc đó không thể chỉ hô hào chung chung, những biện pháp hết sức cụ thể, sát sườn cần phải được thực hiện sớm, thực chất…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho bảo vệ dân phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.