Nghe lời chào mời ngon ngọt của các công ty xuất khẩu lao động đi Ả Rập Xê Út làm giúp việc gia đình, lương 7-10 triệu đồng/tháng, không mất phí, nhiều lao động nữ tại các vùng quê nghèo đã lên đường với hy vọng đổi đời.
Lao động nữ Việt Nam làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Bị đánh đập, bỏ đói
Mới đây, anh Phạm Văn H., ở Quận 5, TPHCM đã làm đơn gửi cả Thủ tướng để tố cáo Cty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Bạch Đằng (Cty Bạch Đằng) thực hiện không đúng hợp đồng đã ký kết đưa bà Lê Thị Tuyết H. (52 tuổi, mẹ anh H.) đi làm giúp việc tại Ả Rập Xê Út.
Theo anh H., mẹ anh đi làm từ tháng 7/2015, được công ty hứa hẹn làm việc ở trung tâm thành phố; lương 1.300 SAR (gần 8 triệu đồng), làm cả ngày chủ nhật sẽ có thưởng thêm 200 SAR (hơn 1 triệu đồng); được chủ trang bị điện thoại, ngày ăn 3 bữa… Tuy nhiên, khi sang tới Ả Rập Xê Út, mọi việc thay đổi, mẹ anh H. phải ký thêm nhiều hợp đồng lao động, làm xa thành phố 2.000 km.
Đặc biệt, bà H. phải làm thêm cả ngày chủ nhật không có thưởng, ngày chỉ được chủ cho ăn 1 bữa, không được sử dụng điện thoại gọi về nhà, ngày làm 19 tiếng. Làm việc liên tục, ăn uống, nghỉ ngơi không đảm bảo, khiến bà H. kiệt sức, suy nhược cơ thể, chảy máu họng, hậu môn… nhưng chỉ được đi khám bác sĩ 1 lần. Bà H. đã nhiều lần gọi điện thoại về Cty Bạch Đằng yêu cầu giúp đỡ, nhưng không ai nghe máy.
Ngày 1/9 vừa qua, bà H. mới liên lạc được với Cty Bạch Đằng nhờ can thiệp và xin cho về nước sớm. Tuy nhiên, chủ sử dụng và Cty Bạch Đằng yêu cầu bà H. phải nộp 62 triệu đồng tiền bồi thường hủy hợp đồng và tự bỏ tiền mua vé máy bay mới được về.
Thậm chí, theo anh H., người của Cty Bạch Đằng còn nói, nếu không muốn “chết mòn” ở xứ người phải gửi tiền sang càng sớm càng tốt. Bà H. còn kể, hiện bà biết có 4, 5 người cũng rơi vào hoàn cảnh giống bà. Thậm chí, có người còn bị chủ nhà nhốt trên tầng thượng dưới cái nóng 60 độ C, không cho ăn. Do đó, anh H. gửi đơn tới các cơ quan chức năng nhờ can thiệp để mẹ anh được về nước.
Với lao động Việt Nam làm giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út, những trường hợp như mẹ anh H. không phải hiếm. Trước đó, hồi tháng 6/2015, 23 lao động Việt Nam sang làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út cũng phải bỏ trốn vì bị nhà chủ đối xử tệ, đánh đập; nhiều trường hợp được công ty môi giới hứa lương tháng 9-10 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế chỉ được 7 triệu đồng/tháng. Thậm chí, có trường hợp không chỉ làm việc ở nhà chủ, còn phải làm cho nhà người thân, bạn bè của chủ… Tuy nhiên, những trường hợp này muốn về nước phải bồi thường cho chủ sử dụng lao động từ 1 - 2 nghìn USD.
Tốt hay xấu phụ thuộc chủ sử dụng
Trong vai có người nhà muốn sang Ả Rập Xê Út làm giúp việc, chúng tôi đã tìm cách liên lạc với bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Cơ sở đào tạo (Cty CP Nguồn nhân lực và Phát triển Kinh tế Hợp tác - Labcoop).
Ngay khi được hỏi, bà Huyền cho biết, mỗi tháng công ty đưa vài chục chị em sang Ả Rập Xê Út làm giúp việc gia đình. Do Ả Rập Xê Út nhu cầu lớn về lao động giúp việc gia đình, nên lao động Việt Nam được miễn phí toàn bộ chi phí (chi phí đi lại, ăn ở, đặt cọc, làm thủ tục…), lương 9-10 triệu đồng/tháng.
“Lao động được ký hợp đồng 2 năm, nếu sau đó muốn ở lại sẽ được gia hạn thêm. Bình thường, để được được lao động phải mất khoảng 2 tháng làm thủ tục và học tiếng, học việc. Nhưng đợt này họ (Ả Rập Xê Út – PV) đang cần người nên chỉ khoảng 1 tháng sẽ đi, trong đó học tiếng mất 1-2 tuần”, bà Huyền nói. Theo bà Huyền, do mọi chi phí ban đầu chủ sử dụng bỏ ra, nên nếu người lao động hủy hợp đồng về nước sớm sẽ phải đền bù cho số tiền họ đã bỏ ra.
Về thủ tục, vị đại diện cho công ty này cũng khẳng định, mỗi lao động chỉ cần nộp hộ chiếu và xác nhận của xã vào hồ sơ công ty phát ra cho người muốn xin đi lao động. Ngoài ra, mỗi người phải đặt cọc 3 triệu đồng để nếu làm xong visa mà lao động không đi sẽ không trả lại. Nếu lao động vẫn đi sẽ được trả lại số tiền đặt cọc này, cùng 5 triệu đồng chủ sử dụng lao động hỗ trợ trước khi bay sang.
“Phải nói rõ, đây là đi làm ôsin, nên nhà họ có việc gì thì mình làm đó, thời gian làm việc cũng không cố định, tùy thuộc vào chủ”, bà Huyền nói. Trước lo lắng của người lao động về rủi ro có thể xảy ra, bà Huyền khẳng định:“công ty của chị hoạt động uy tín, phải thông qua Sở và Bộ LĐ-TB&XH, không phải làm chui, nên cứ yên tâm”.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện tại Ả Rập Xê Út có khoảng 5.000 nữ lao động Việt Nam làm giúp việc gia đình.
Những điều cần biết khi đi làm giúp việc tại Ả Rập Xê Út - Phần lớn dân số Ả Rập Xê Út theo đạo Hồi, với nhiều khác biệt văn hóa, lối sống so với Việt Nam. Ả Rập Xê Út nằm ở Trung Đông, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ có thể lên tới 50-60 độ C. - Do đặc thù làm giúp việc gia đình, thường không giới hạn công việc, thời gian. Người lao động chỉ đi qua doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động và có hợp đồng cung ứng được Cục Quản lý Lao động Ngoài nước chấp thuận (danh sách trên website của Cục). - Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài giữa người lao động và doanh nghiệp phải có chữ ký của lãnh đạo và đóng dấu của doanh nghiệp đó. Hợp đồng phải ký trước khi bay. Theo hiệp định giữa 2 nước, toàn bộ chi phí môi giới, làm thủ tục, ăn ở, đi lại… người lao động được miễn hoàn toàn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.