Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp người nghèo “cần câu”

Bạch Thanh| 21/11/2011 06:58

(HNM) - Sau khi mở rộng địa giới hành chính, dân số Hà Nội tăng từ 3,5 triệu lên gần 6,4 triệu người. Trong thời gian qua, cùng với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, Hà Nội đang đứng trước những thách thức to lớn, nhất là trong công cuộc giảm nghèo.


Người nghèo dễ rủi ro

Nguyên nhân nghèo chủ yếu do thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, tiếp đến là thiếu kinh nghiệm làm ăn và thiếu đất sản xuất. Ngoài ra là các nguyên nhân thiếu lao động chính nhưng đông người ăn theo; gia đình có người già yếu, tàn tật, ốm đau; có người mắc tệ nạn xã hội; gặp tai nạn, rủi ro; bị thiên tai, dịch bệnh... Địa bàn trải rộng sau khi hợp nhất đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác giảm nghèo của TP Hà Nội. Nhiều huyện tỷ lệ hộ nghèo khá cao, tỷ lệ hộ tái nghèo tiếp tục gia tăng và rất khó thoát nghèo nếu không có những giải pháp đồng bộ, như Mỹ Đức (16,73%), Ba Vì (15,19%), Ứng Hòa (14,24%), Chương Mỹ (13,09%)....


Làm thủ tục cho sinh viên vay vốn tại Ngân hàng CSXH thành phố. Ảnh: Trần Việt

Chị Đào Thị Thúy thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì nói: Chuồng gà 300 con này, cách đây hơn một năm là nhà ở của gia đình. Từ 20 triệu vốn của NH CSXH huyện, gặp lúc chăn nuôi được giá chị đã nuôi gột gà ta giống, lợn giống và ba con bò, gia đình đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống, trở thành một điển hình thoát nghèo nhờ vay vốn ngân hàng. Nhưng không phải hộ nghèo nào cũng gặp dịp chăn nuôi được giá như gia đình chị Thúy do giá cả chăn nuôi thời gian qua luôn diễn biến bất thường, nhiều hộ lãi trong tháng 7, nhưng lại lỗ nặng dịp tháng 9 vừa qua. Hiện huyện Ba Vì có 8.788 hộ nghèo, chiếm 15,1% số hộ, tổng dư nợ là 242 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với đầu năm. Đồng vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện. Từ đầu năm tới nay đã có trên 1.500 lượt hộ nghèo, gần 1.000 lượt hộ gia đình học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn, gần 500 lượt hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để phát triển sản xuất, mở mang dịch vụ và nuôi con ăn học tại các trường… và đã có gần 2.000 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn vay hộ nghèo. Người dân không phải tới tận trung tâm huyện, các đối tượng có nhu cầu vay vốn nếu bảo đảm đủ tiêu chí đều có thể giao dịch ở 31 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. 100% số thôn đều có tổ vay vốn hoạt động. Nhờ việc cho vay được họp bình xét công khai, dân chủ nên đồng vốn đã thật sự đến tay hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Ba, Giám đốc Phòng giao dịch NH CSXH huyện Ba Vì, đối tượng người nghèo rất dễ bị tổn thương, tái nghèo nếu như không có sự quan tâm, chung tay giúp sức của cộng đồng, xã hội. Không chỉ giúp người nghèo tiếp cận với đồng vốn ưu đãi, NH còn gắn bó mật thiết với các hoạt động chính trị xã hội trên địa bàn, thông qua cán bộ cơ sở để nắm bắt tình hình và có sự trợ giúp kịp thời. Tuy nhiên, năng lực người nghèo còn nhiều hạn chế, khó tham gia vào các chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao nên thu nhập thấp và không ổn định, dễ bị ảnh hưởng từ các rủi ro bất thường như thiên tai, dịch bệnh, ốm đau... Tình trạng tái nghèo vẫn khá phổ biến.

Gần 3.500 tỷ đồng trợ giúp người nghèo

Theo ông Bùi Quang Vinh, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh TP Hà Nội, thời gian qua thành phố đã có nhiều giải pháp có hiệu quả, tập trung nguồn lực, con người và những chính sách cụ thể của địa phương nhằm giảm nghèo và trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. Hiện NH CSXH cho vay ủy thác qua 4 hội đoàn thể (nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh) với 557 điểm giao dịch xã, phường. Hoạt động cho vay với 10 chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách như: hộ nghèo, HSSV nghèo, nước sạch, vệ sinh môi trường... Đến nay các chương trình đều đã cơ bản đạt 100% kế hoạch, trong đó chỉ còn duy nhất chương trình vốn vay cho HSSV nghèo là đang được triển khai, phấn đấu hoàn thành trong đầu tháng 12-2011. Tổng dư nợ đến ngày 31-10 đạt 3.451 tỷ đồng, tăng 250 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 97% kế hoạch năm. Trong đó vay hộ nghèo đạt 1.922 tỷ đồng với 96.000 hộ còn dư nợ, tăng 19 tỷ đồng so với đầu năm, cho vay HSSV đạt 991 tỷ đồng tăng 72 tỷ đồng so với đầu năm.

Để người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi được nhanh gọn, thuận tiện, NH CSXH TP Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách hành chính, 100% số hộ vay vốn của NH đã được đổi sổ vay vốn, một hộ có thể vay cùng một lúc nhiều chương trình của NH với các món vay từ 15 đến 20 triệu đồng. Các quy định vay phù hợp với năng lực của người nghèo với mức cho vay thích hợp, người vay không phải nộp bất kỳ một khoản phí nào. Thông qua ủy thác từ các hội đoàn thể, tính cộng đồng trong hoạt động vay vốn tín dụng rất cao, do đó tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,3%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp người nghèo “cần câu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.