(HNM) - Nhằm góp phần xây dựng chính phủ điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính…, ngày 5-5-2023, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Mệnh lệnh số 01 về “Tập trung chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử cho toàn bộ công dân cư trú trên địa bàn Hà Nội” (từ ngày 10-5 đến 30-6-2023). Đến nay, chặng đường thực hiện đã đi vào giai đoạn “nước rút” để giúp người dân Thủ đô được hưởng những tiện ích của công nghệ số mang lại.
“Làm hết việc, không làm hết giờ“
Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, từ ngày 10-5 đến 1-6-2023, toàn thành phố thu nhận được 77.992/134.329 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp lần đầu, đạt 58,1%. Đến ngày 3-6, đã có 2 đơn vị xuất sắc “về đích” là Công an quận Tây Hồ và Công an quận Nam Từ Liêm; 124/579 công an phường, xã, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu.
Đối với việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID, từ ngày 10-5 đến 1-6, Công an các đơn vị cũng đã kích hoạt tổng số 2.105.625 tài khoản định danh điện tử, trong đó, các đơn vị có tỷ lệ kích hoạt cao nhất là các quận Tây Hồ, Hà Đông và huyện Thạch Thất. Là một trong những đơn vị đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu, Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ chia sẻ kinh nghiệm, Công an quận đã tổ chức khảo sát thực tế, triển khai làm điểm và thực hiện phương châm: “Làm hết việc, không làm hết giờ”. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị và là danh dự của lực lượng Công an nhân dân, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhất quán nguyên tắc “Đúng, đủ, sạch, sống” trong quá trình thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng hành cùng lực lượng Công an, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, Thành đoàn đã huy động hàng nghìn lượt đoàn viên thanh niên giúp đỡ người dân cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử và đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID. Đồng thời, Thành đoàn tiếp tục duy trì 37 đội tình nguyện “Hỗ trợ nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”. Qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân
Mặc dù là ngày nghỉ, nhưng trong chủ nhật đầu tiên của tháng 6 (ngày 4-6), cán bộ, chiến sĩ Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa) bất chấp nắng nóng để nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cấp căn cước công dân gắn chíp, kích hoạt định danh điện tử cho công dân. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an phường Láng Thượng cho biết, tính đến ngày 31-5, đơn vị đã hoàn thành thu nhận căn cước công dân gắn chíp cho 455/455 người, đạt 100% công dân đủ điều kiện; trong số này có 101 trường hợp đi làm việc, học tập ở tỉnh ngoài; 16 trường hợp già yếu, ốm đau. Ngoài ra, Công an phường còn tổ chức cấp căn cước công dân gắn chíp cho 72 công dân tạm trú trên địa bàn.
Ông Lê Trung Đỉnh (ở tổ dân phố số 4, khu dân cư số 2, phường Láng Thượng) cho biết: “Năm nay, tôi tròn 80 tuổi. Tôi thấy kết quả thực hiện Mệnh lệnh số 01 của Công an phường Láng Thượng được người dân ủng hộ và ghi nhận. Đối với những trường hợp công dân đi tỉnh xa, người già bệnh tật không có khả năng đi lại, cán bộ, chiến sĩ liên hệ đến tận nhà, hoặc bệnh viện để làm nhiệm vụ. Điều đó đã để lại hình ảnh tốt đẹp về những chiến sĩ Công an nhân dân tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân”.
Trung tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng Công an phường Cống Vị, quận Ba Đình cũng cho biết, ngày 2-6 vừa qua, đơn vị đã hoàn thành hướng dẫn các thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp cho công dân cuối cùng trên địa bàn là anh Vũ Anh Nguyên (sinh năm 1989) đang đi công tác ở xa. Mẹ anh Nguyên là bà Ngô My Lan cũng được trả căn cước công dân gắn chíp khi đang điều trị trên giường bệnh.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, lực lượng Công an Thủ đô quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vất vả, phấn đấu đến ngày 15-6 sẽ “về đích”, giúp mỗi người dân Thủ đô được hưởng những tiện ích của công nghệ số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.