(HNM) - Thực tiễn cho thấy, để nhân dân hiểu, đồng thuận tham gia thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì công tác dân vận đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền bằng nhiều cách thức phù hợp, gắn với nâng cao đời sống, giải quyết các lợi ích thiết thân của người dân.
Nổi bật là phong trào “Dân vận khéo”. Bằng cách thức triển khai đa dạng, từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình, cá nhân điển hình ở tất cả lĩnh vực của đời sống, góp phần tạo sự đồng thuận trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…
Đặc biệt, kể từ khi Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU (ngày 25-5-2017) về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ thành phố đến cấp huyện, xã đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Qua đó, đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nhiều vấn đề “nóng”, người dân bức xúc, nhưng sau khi được trả lời và chỉ đạo giải quyết một cách “thấu tình, đạt lý” đã được “hạ nhiệt” nhanh chóng, tạo sự đồng thuận từ cơ sở.
Có thể thấy, công tác dân vận của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã hướng mạnh về cơ sở, quan tâm sâu sát đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nhờ đó, lòng tin của nhân dân và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng vững chắc, bền chặt.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận, vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng để củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Trước mắt, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, những tồn tại, hạn chế về đội ngũ cán bộ dân vận, công tác tiếp công dân, nắm bắt và dự tính dự báo tình hình trong nhân dân… cần từng bước khắc phục và phải xem đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt, công tác cán bộ dân vận cần được cấp ủy Đảng các cấp quan tâm thích đáng hơn nữa. Một mặt thường xuyên bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ đang công tác; mặt khác cần quy hoạch, đào tạo để xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận vừa hồng, vừa chuyên. Cùng với đó là quan tâm các chế độ, chính sách đối với cán bộ dân vận ở cơ sở, nhất là cấp thôn, tổ dân phố.
Tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận và phong trào “Dân vận khéo” cũng phải được cấp ủy Đảng các cấp thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhiệm vụ đặt ra là nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; đồng thời định hướng phong trào theo chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị. Gắn việc thực hiện phong trào “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Công tác dân vận của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, trọng tâm là công tác dân vận chính quyền cần tiếp tục được tăng cường. Trọng tâm của nhiệm vụ này là nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời phát hiện, giải quyết vấn đề phát sinh, bức xúc ngay từ cơ sở.
Tăng cường đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân luôn là nhiệm vụ then chốt của công tác dân vận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.