(HNM) - Từ thực tế góp phần bảo đảm hàng hóa cho các địa phương khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, đặc biệt là quá trình trực tiếp ở “tâm dịch” thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tháng 7-2021, ngành Công Thương đã xử lý kịp thời nhiều vấn đề nóng, vướng mắc, khó khăn. Bên thềm năm mới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới khi nhìn lại một năm cùng cả nước vượt qua khó khăn để thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Tháng 7-2021, dịch Covid-19 lên tới đỉnh điểm ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, gây nhiều khó khăn cho lưu thông, cung ứng hàng hóa cũng như sản xuất, kinh doanh. Bộ Công Thương đã ứng phó với những vấn đề chưa từng có tiền lệ này như thế nào?
- Tháng 7-2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Bộ Công Thương đã xác định để phòng, chống dịch Covid-19 tốt nhất phải đáp ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, đồng thời nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh. Do đó, chúng tôi đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; Tổ công tác đặc biệt phía Nam và Tổ công tác đặc biệt miền Bắc và miền Trung để trực tiếp phối hợp với các địa phương.
Ngoài ra, Bộ cũng tham gia tích cực vào các hoạt động của Tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa (là cơ quan thường trực), Tiểu ban an sinh xã hội thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các hoạt động của tổ công tác đặc biệt về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ…
Trong thời gian này, Bộ đã chủ động, kịp thời giải quyết, phối hợp giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung, khan hiếm hàng hóa, nhất là tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam.
- Trong quá trình trực tiếp sống và làm việc tại tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tình huống nào khiến ông nhớ nhất?
- Những ngày đầu tháng 7-2021, tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh vô cùng phức tạp trên toàn thành phố, cả 3 chợ đầu mối và 188/234 chợ truyền thống tạm dừng hoạt động. Vì vậy, việc phân phối, cung ứng hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Ngay khi vào thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương và UBND thành phố Hồ Chí Minh đã khảo sát 3 chợ đầu mối kinh doanh nông sản, thực phẩm ở thành phố Thủ Đức, quận 8 và huyện Hóc Môn. Chúng ta đều biết chợ đầu mối có vai trò quan trọng trong việc cung ứng đến 70% nguồn hàng hóa cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác. Sau buổi khảo sát, Tổ công tác đã đề nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh sớm mở những điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thay thế trong thời gian chợ đầu mối dừng hoạt động và tính đến việc mở thêm các chợ truyền thống.
Tôi vẫn nhớ vào khoảng cuối tháng 7, buổi sáng chúng tôi đến khảo sát, làm việc với các tiểu thương tại chợ Nguyễn Tri Phương (chợ mới được mở lại sau một thời gian đóng cửa bởi dịch Covid-19), thì buổi chiều, chúng tôi nhận được tin chợ đóng cửa trở lại vì có tiểu thương được xác định là F0. Thời điểm đó, chúng tôi nói với nhau mỗi khi ra đường không biết ai là F0, đâu là chỗ an toàn.
- Bộ Công Thương đã có nhiều quyết sách kịp thời, đóng góp vào công tác phòng, chống dịchcủa cả nước. Xin thứ trưởng chia sẻ thêm về điều này với vai trò trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác đặc biệt phía Nam?
- Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, trong cuộc họp của Chính phủ, cũng như trong chỉ đạo điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhận định và nhấn mạnh rằng, đợt dịch này diễn biến phức tạp nên các giải pháp của Bộ Công Thương phải tính đến kịch bản xấu hoặc xấu hơn. Có như vậy, các quyết sách ban hành cũng như kế hoạch hành động mới đúng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Chính phủ giao.
Chính vì thế, Tổ công tác đặc biệt thiết lập ngay đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân. Những ngày “cắm chốt” tại khu vực phía Nam, Tổ công tác đã đi khảo sát, kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa cũng như công tác chống dịch các chợ tại các quận chính của thành phố Hồ Chí Minh. Nắm bắt thực tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con tiểu thương, Tổ đã đề xuất phương án kích hoạt hệ thống siêu thị, điểm bán hàng lưu động, để bảo đảm không gián đoạn nguồn cung hàng hóa khi gần 200 chợ truyền thống cùng lúc phải ngưng hoạt động.
Tổ cũng thường xuyên trao đổi với sở công thương 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam mở rộng mô hình hệ thống phân phối dã chiến (điểm bán hàng, xe bán hàng lưu động, đi chợ hộ…).
Những ai từng sống trong tâm dịch phía Nam những ngày tháng 7, tháng 8-2021 mới cảm nhận được hết những khó khăn lúc bấy giờ. Việc các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 16/CT- TTg nhưng do cách hiểu không thống nhất nên đã ban hành những quy định khác nhau, gây ra ách tắc, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì thế, trong ngày 27-7, Bộ Công Thương đã liên tiếp ban hành các văn bản hướng dẫn, đồng thời kiến nghị khẩn Chính phủ thay vì đưa ra danh mục hàng hóa thiết yếu được lưu thông thì xây dựng danh mục hàng hóa cấm lưu thông. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ đã quyết định từ 0h ngày 30-7, xe chở hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, xuất, nhập khẩu có mã QR sẽ không bị kiểm tra. Đồng thời nhất quán quan điểm trừ các hàng hóa, dịch vụ cấm, còn lại tất cả các sản phẩm, hàng hóa khác đều được “tạo luồng xanh” di chuyển tới các điểm nằm trong diện giãn cách xã hội…
Bộ cũng đề nghị các bộ, ngành, các địa phương sớm cho hoạt động trở lại phương thức giao nhận thương mại điện tử. Bởi, việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa thương mại điện tử đã ảnh hưởng đến chuỗi lưu thông, khiến người dân phải ra đường gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Qua các buổi làm việc tại các khu công nghiệp, Bộ Công Thương cũng ghi nhận vướng mắc của mô hình “3 tại chỗ”, qua đó đã đề xuất bổ sung người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất vào đối tượng ưu tiên tiêm phòng; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”; bổ sung các hình thức vừa cách ly vừa sản xuất tại doanh nghiệp…
Đến thời điểm này, có thể nói, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
- Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, ngành Công Thương đã có kế hoạch thích ứng ra sao trong thời gian tới?
- Tuy diễn biến dịch Covid-19 rất khó lường, song qua bài học kinh nghiệm từ 2 năm phòng, chống dịch, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp trên nguyên tắc bám sát thực tế, thích ứng linh hoạt, bảo đảm lưu thông hàng hóa, lao động trở lại làm việc, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ngành tiếp tục theo sát, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu; kết hợp triển khai các chương trình bình ổn thị trường, kích cầu... để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công lớn, đặc biệt là các dự án về năng lượng, hạ tầng nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao thương của nền kinh tế cũng như phát triển thị trường cho một số ngành sản xuất chủ lực như thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, ô tô…
Triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân của Chính phủ nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Giải pháp hàng đầu là thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, đẩy mạnh thương mại điện tử, kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, tiêu thụ. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về lĩnh vực xuất, nhập khẩu, tạo thuận lợi cho hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.