(HNM) - Với sự xâm nhập ồ ạt của các nhà bán lẻ nước ngoài, cũng như tốc độ ứng dụng công nghệ tiên tiến cao đang đòi hỏi các doanh nghiệp nội địa phải sớm xây dựng chiến lược phát triển bài bản.
Big C tiếp tục phát triển chuỗi siêu thị tại Việt Nam. Ảnh: Minh Hào |
Thị trường bán lẻ: "Mảnh đất màu mỡ"
Những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” thu hút nhiều nhà đầu tư "ngoại". Điển hình như, nhà bán lẻ Aeon Mall (Nhật Bản), sau mô hình trung tâm thương mại rất thành công tại quận Long Biên (Hà Nội), tiếp tục dự kiến khai trương trung tâm thương mại thứ 2 tại quận Hà Đông (Hà Nội) trong quý IV-2019. Không dừng ở đó, nhà bán lẻ này tuyên bố tiếp tục mở rộng hợp tác, mua lại các siêu thị có sẵn trong nước với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động 20 trung tâm mua sắm và siêu thị trên khắp Việt Nam.
Một tập đoàn lớn khác là Lotte (Hàn Quốc) cũng lên kế hoạch mở 60 siêu thị mới tại Việt Nam từ nay đến năm 2020 với tổng số vốn đầu tư 3,2 tỷ USD. Còn Central Group (Thái Lan) "nhảy" vào thị trường Việt Nam bằng cách mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị BigC (vào tháng 5-2017), với giá trị lớn đến 1 tỷ EUR và hàng trăm vụ thâu tóm đình đám khác.
Cũng từ năm ngoái, doanh nghiệp Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Điển hình là trường hợp Miniso ký hợp đồng nhượng quyền với Tập đoàn Lê Bảo Minh và công bố mở 12 cửa hàng tại các thành phố lớn của Việt Nam.
Đáng chú ý, có 70% nhà bán lẻ nước ngoài đang tập trung mở rộng các cửa hàng tiện ích, tạo nên diện mạo mới cho thị trường. Chẳng hạn như hệ thống Circle K Việt Nam đã có 259 cửa hàng tại 4 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu. B’s Mart, Family Mart, Ministop cũng mở rộng mạng lưới với số lượng cửa hàng đã lên hàng trăm đơn vị cho mỗi thương hiệu, chỉ sau thời gian ngắn hoạt động.
Tuy nhiên, ngoài những tiện ích hiện đại và kinh nghiệm quản trị, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam cũng mang vào theo nhiều thương hiệu hàng hóa chính quốc nổi tiếng, có sức hút lớn với người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội thừa nhận, ngành bán lẻ trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ nước ngoài, với ưu thế nổi trội về nhân sự, tài chính, chất lượng quản trị, thương hiệu có giá trị toàn cầu.
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng nhận định, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có thế mạnh về vốn, quản trị tiên tiến, hệ thống phân phối toàn cầu... thì doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết, thiếu tính liên kết, giá cả hàng hóa thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Nếu không sớm nhìn ra vấn đề và có kế hoạch cải thiện chất lượng dịch vụ, hàng hóa, doanh nghiệp trong nước khó thắng được nhà đầu tư nước ngoài.
Cần xây dựng thương hiệu bán lẻ
Khách mua hàng tại siêu thị Vinmart Văn Quán (quận Hà Đông). Ảnh: Hữu Tiệp |
Với xu hướng tiêu dùng hiện đại, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận mua với mức giá cao hơn ở các siêu thị, trung tâm thương mại để được sử dụng sản phẩm có chất lượng. Tuy nhiên, trái ngược xu thế này, một số doanh nghiệp trong nước lại không giữ được ưu thế về chất lượng và uy tín thương hiệu.
Sau vụ việc Khaisilk, mới đây một thương hiệu khác là "Con Cưng" bị phát hiện 7 hành vi sai phạm trong kinh doanh, như: Không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, tổ chức khuyến mãi “chui”, không ghi tên và địa chỉ nhà sản xuất, không có thông tin về hàng hóa; bán các loại sữa quảng cáo là sử dụng công nghệ Đức nhưng không phải công nghệ Đức..., khiến niềm tin của người tiêu dùng không khỏi lung lay. Sau khiếu nại của khách hàng, hàng nghìn sản phẩm đã phải thu hồi trên hệ thống...
Song bên cạnh những việc đáng tiếc trên, cũng có những doanh nghiệp đầu tư vào bán lẻ với những chiến lược bài bản, từng bước khẳng định uy tín, và là bài học hữu ích cho các doanh nghiệp nội khác. Trong đó phải kể đến chuỗi siêu thị bán lẻ Vinmart và Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup.
Chuỗi cửa hàng đa tiện ích này đang là mô hình bán lẻ được đánh giá cao trên thị trường bởi tính tiện lợi và độ phủ rộng, mang tới cho người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm thuận tiện; đồng thời là nơi cung cấp hàng hóa chất lượng cao, thực phẩm an toàn, minh bạch nguồn gốc... Đặc biệt, chiến lược phát triển của Vinmart và Vinmart+ là kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ, để cung ứng nông sản sạch, thực phẩm sạch...
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội) phân tích, yếu tố cạnh tranh mạnh nhất trong chiến lược marketing của doanh nghiệp bán lẻ là xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ bền vững, khác biệt, để từ đó tạo ra bước tiến xa hơn cho thương hiệu trên thị trường bán lẻ. Đây là bài học vô cùng ý nghĩa đối với các nhà bán lẻ trong nước.
Đó là chưa kể, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là cơ hội để Việt Nam gia nhập các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao...
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, xây dựng thương hiệu bán lẻ không chỉ thể hiện ở giá hàng hóa cạnh tranh hợp lý, chất lượng ổn định, hướng tới phục vụ người tiêu dùng, mà còn ở những mối quan hệ nhân văn với người tiêu dùng, với nhà cung ứng.
Để tạo một dấu ấn thương hiệu, điều quan trọng là sự nỗ lực của doanh nghiệp với quyết tâm xây dựng một thương hiệu bán lẻ trên thị trường. Điều này gắn liền với chiến lược và sự thành bại của doanh nghiệp trong xây dựng quan hệ công chúng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, để có thể phát triển được một thị trường bán lẻ bền vững, cạnh tranh thành công trong hội nhập, bên cạnh việc có một chiến lược, định hướng rõ ràng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, cần tập trung thúc đẩy nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, từ đó tạo ra được những sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt, giá phù hợp...
Theo Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020. Theo quy hoạch, đến năm 2020 cả nước sẽ có 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.