(HNM) - Khu vực doanh nghiệp luôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước. Đây là sự kỳ vọng lớn lao của Đảng, Nhà nước, nhân dân dành cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời là trách nhiệm nặng nề của chủ thể này.
Song, trong hành trình của mình, cộng đồng doanh nghiệp không cô độc bởi cả hệ thống chính trị cùng đồng hành, tạo nền tảng tốt nhất để họ chủ động thích ứng, nắm bắt thời cơ, tạo động lực phát triển bền vững. Điều này được thực hiện xuyên suốt từ cấp trung ương đến các địa phương. Càng trong khó khăn, thì Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ càng có nhiều hoạt động tiếp xúc, trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Ví như, trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” của đại dịch Covid-19, chỉ trong vòng 1,5 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (ngày 8-8-2021 và 26-9-2021). Gần đây nhất, ngày 11-8-2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Tinh thần bao trùm trong mọi cuộc tiếp xúc, đối thoại là Thủ tướng luôn đặt niềm tin, đồng hành, sẻ chia cùng doanh nghiệp, quyết liệt xóa bỏ các rào cản đang trói buộc sự bứt phá của cộng đồng này.
Việc tổ chức hoạt động đối thoại với doanh nghiệp thường niên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa đến cấp bộ, ngành và mỗi địa phương. Trong từng lĩnh vực, các bộ, ngành, địa phương cũng đã có những hội nghị tiếp xúc với doanh nghiệp. Qua đó, những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp đã được nhận diện, nhiều nút thắt được tháo gỡ, “phá băng” những vật cản trở đường đi của doanh nghiệp... Cũng từ đây, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được khẩn trương ban hành và quyết liệt triển khai, như chính sách về miễn, giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất... Đặc biệt, gần đây, trước những biến động lớn của thế giới về giá nhiên liệu và lương thực, nguy cơ lạm phát..., các cơ quan chức năng đã liên tiếp đưa ra giải pháp kìm chế đà tăng của giá xăng, dầu, nhằm giảm chi phí đầu vào các ngành sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp...
Từ những quyết sách đúng trọng tâm, trọng điểm, kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực; doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2022 đạt 133,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021 (vượt mốc 105,4 nghìn doanh nghiệp của năm 2021). Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng cao nhất 6 năm qua, với 44.301 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021...
Tuy nhiên, với những biến động khó lường đang diễn ra trên thế giới, rất nhiều thách thức đang chờ doanh nghiệp ở phía trước. Nếu không có nền tảng tốt, không có sức “đề kháng” khỏe, thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ khó có đà bứt phá. Do đó, “Vì một cộng đồng doanh nghiệp chủ động thích ứng, phát triển bền vững” là trách nhiệm chung của toàn xã hội; bởi doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ “góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ấm no và hạnh phúc” - như lời của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp tổ chức ngày 11-8 vừa qua.
Vì thế, dù ở tình huống nào, doanh nghiệp cũng phải ở tâm thế chủ động: Chủ động thích ứng, chủ động ứng phó và chủ động nắm thời cơ. Song, chỉ một mình doanh nghiệp chủ động thì chưa thể tạo nên sức mạnh toàn diện, mà cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cùng đồng hành, cùng trách nhiệm. Đặc biệt, đó không thể là trách nhiệm chung chung, mà phải cụ thể hóa thành chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, thậm chí cần đặt ra với từng vị trí lãnh đạo chủ chốt của mỗi cơ quan, đơn vị...
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại khó khăn, vướng mắc của tất cả loại hình doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc. Mỗi bộ, ngành, địa phương cần làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh đó, một công việc không có điểm dừng, giải pháp xuyên suốt cả trong ngắn hạn và dài hạn, đó là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính thực chất, tạo hệ sinh thái lành mạnh, công bằng, bình đẳng. Coi doanh nghiệp là chủ thể để hợp tác, là “hạt nhân” của sự phát triển, chứ không chỉ là đối tượng để quản lý đơn thuần...
Khi các giải pháp được thực hiện đồng thời, làm một cách thực chất, chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng trước thời cuộc. Trong tâm thế đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ vững tin vượt qua mọi “con sóng” lớn, trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế như mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.